Mất ngủ dễ gây đột quỵ

Chất lượng giấc ngủ kém ảnh hưởng đến lưu thông máu, tăng nguy cơ viêm hệ thống, huyết áp, căng thẳng dẫn đến đột quỵ.


Ngày 3/12, BS.CKII Khúc Thị Nhẹn, Khoa Thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết như trên, thêm rằng nhiều bằng chứng cho thấy mất ngủ có mối liên hệ mật thiết với đột quỵ. Mất ngủ khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, mất tập trung, căng thẳng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần và tim mạch, suy giảm khả năng dung nạp glucose, cao huyết áp. Chưa kể khi mất ngủ, mọi người có xu hướng uống rượu bia, ăn khuya hoặc dùng đồ ngọt, dẫn đến thừa cân, béo phì.


"Mất ngủ kéo dài vì vậy dễ dẫn đến đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, tiểu đường", bác sĩ Nhẹn giải thích, thêm rằng thực tế số người mất ngủ gia tăng trong những năm gần đây trong bối cảnh cuộc sống hiện đại có nhiều áp lực. Kết quả nghiên cứu đăng trên Học viện Y học Giấc ngủ Mỹ khảo sát 5.666 người không có tiền sử đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua, cũng cho thấy tỷ lệ đột quỵ cao hơn ở người ngủ ít hơn 6 giờ mỗi ngày.


Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh từ đầu năm đến nay có hơn 5.000 bệnh nhân điều trị rối loạn giấc ngủ (năm 2023 khoảng 3.000), trong đó nhiều trường hợp diễn tiến đột quỵ. Đơn cử bà Hạnh, 63 tuổi, ngụ Bắc Ninh, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khám do yếu nửa người bên phải, méo miệng, nói khó, bác sĩ chẩn đoán đột quỵ nhồi não cấp, kết quả xét nghiệm sinh hóa máu không có rối loạn chuyển hóa, siêu âm Doppler mạch cảnh hiện chưa xơ vữa mạch.


Bà Hạnh tiền sử mất ngủ ba năm, chỉ ngủ khoảng 4-5 tiếng mỗi ngày, đang điều trị tăng huyết áp. Bác sĩ nhận định cùng với tăng huyết áp, mất ngủ là yếu tố góp phần thúc đẩy đột quỵ. Sau hai tuần điều trị nội khoa, bà tỉnh táo, tự đi lại, ngủ được nhiều hơn và tinh thần thoải mái, được xuất viện.


Tương tự, ông Quỳnh, 48 tuổi, ngụ Hà Nam, làm kinh doanh tự do, thường xuyên mất ngủ do căng thẳng. Mỗi khi giật mình giữa đêm ông thường khó ngủ trở lại, một đêm chỉ chợp mắt khoảng 4 tiếng. Buổi sáng trước khi nhập viện, ông đột ngột nhức đầu, nôn, liệt nửa người trái, ý thức chậm chạp, bác sĩ chẩn đoán ông bị chảy máu não, nguy cơ đột quỵ. Người bệnh được điều trị nội khoa và dần phục hồi, tỉnh táo, tiếp xúc tốt nhưng còn yếu nhẹ nửa người bên trái. Bác sĩ chỉ định tập vật lý trị liệu để cải thiện thêm.


Hiện có rất nhiều phương pháp điều trị mất ngủ bao gồm thay đổi lối sống - sinh hoạt, dùng thuốc, kích thích từ trường xuyên sọ... Trong đó, kích thích từ trường xuyên sọ đang được ứng dụng rộng rãi trong thời gian gần đây. Bác sĩ Nhẹn đánh giá phương pháp này an toàn, không xâm lấn, không gây mê, không đau, không cần lưu viện, người bệnh có thể ra về trong ngày.


Để cải thiện giấc ngủ, phòng đột quỵ, bác sĩ Nhẹn khuyến cáo nên xây dựng nếp sống khoa học, nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng. Hạn chế dùng cà phê và các chất kích thích vào buổi tối. Tập thể dục đều đặn 30-60 phút mỗi ngày, giữ phòng ngủ sạch sẽ, thoáng mát, yên tĩnh giúp ngủ ngon hơn. Người bị mất ngủ kéo dài nên đến bác sĩ khoa Thần kinh khám.


Đột quỵ là một trong những nguyên gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam, cao hơn tim mạch. Bệnh đang có xu hướng gia tăng ở người trẻ.


Linh Đặng


Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp







Mat ngu de gay dot quy


Chat luong giac ngu kem anh huong den luu thong mau, tang nguy co viem he thong, huyet ap, cang thang dan den dot quy.

Mất ngủ dễ gây đột quỵ

Chất lượng giấc ngủ kém ảnh hưởng đến lưu thông máu, tăng nguy cơ viêm hệ thống, huyết áp, căng thẳng dẫn đến đột quỵ.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá