Bà Thảo đã tiêm filler (chất làm đầy) vào thái dương, cằm, môi, rãnh cười và mông 8 năm trước tại một hội chợ ở Đức theo lời quảng cáo "an toàn, hiệu quả trẻ hóa cao". Nay mặt bà đau nhức, sưng tấy, nhất là thái dương bên phải, song bác sĩ ở Đức hẹn sau 6 tháng mới sắp xếp lịch mổ loại bỏ chất làm đầy nên bà về Việt Nam phẫu thuật.
Ngày 3/7, TS.BS Hoàng Thị Phương Lan, Phòng khám Phẫu thuật thẩm mỹ và tạo hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ổ áp xe sưng đỏ lan xuống gò má khiến người bệnh lệch hẳn một bên mặt, chụp MRI ghi nhận các đốm loang chất làm đầy khắp khuôn mặt. "Nếu để lâu, filler có thể lan vào não ăn mòn mạch máu thần kinh gây đột quỵ, méo mặt, liệt mặt, filler lan vào mắt nguy cơ mù lòa", bác sĩ Lan giải thích.
Bác sĩ Lan phẫu thuật và hút ra 25 ml chất nhầy lỏng màu mỡ gà được xác định là silicon lỏng từ hai bên thái dương bà Thảo. Người bệnh tỉnh táo, ăn uống được, không sốt, không đau, xuất viện sau hai ngày. Các bác sĩ hướng dẫn bà thay băng hai ngày một lần, tránh nước vào vết mổ, nghỉ ngơi để củng cố vùng da. Sau khi can thiệp xong vùng thái dương, bà sẽ tiếp tục được hút silicon khỏi vùng cằm và mông.
Theo bác sĩ Lan, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cấm sử dụng silicon lỏng trong làm đẹp từ năm 1991. Bộ Y tế Việt Nam cấm tiêm trực tiếp silicon vào các bộ phận của cơ thể từ năm 1995. Khi tiêm vào cơ thể, silicon lỏng không tan đi và không đứng yên một vị trí mà lan tỏa ra mô xung quanh, len lỏi vào mạch máu, mô mỡ, gây rối loạn miễn dịch, viêm nhiễm mạn tính, nặng hơn là tắc mạch, hoại tử, mù lòa hay đột quỵ.
Tất cả vùng da có thể tiêm filler, nhưng một số vùng nguy cơ tai biến cao hơn do cấu trúc giải phẫu và sự kết nối giữa các cơ, mạch máu, dây thần kinh. Vùng thái dương có nhiều cấu trúc quan trọng như động mạch thái dương nông hay nhánh trán của thần kinh mặt. Tiêm filler vùng thái dương có thể gây tê liệt, đau do tổn thương thần kinh. Nếu tiêm trúng mạch máu có thể gây sưng bầm, phù nề hoặc nặng hơn là hoại tử da do tắc mạch.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội tiếp nhận trung bình 6-7 ca biến chứng do tiêm filler mỗi tuần. Nhiều trường hợp chất làm đầy không tiêu, vón cục dưới da, sưng đỏ, đau nhức, chảy dịch. Bác sĩ Lan lưu ý người dùng filler cần đúng loại được Bộ Y tế hoặc FDA cấp phép để tránh biến chứng nguy hiểm. Người tiêm filler phải là bác sĩ chính quy có chứng chỉ hành nghề, cơ sở được cấp phép và đảm bảo vô trùng. Bất kỳ chất làm đầy nào không rõ nguồn gốc hoặc có chứa silicon lỏng cần tuyệt đối tránh.
Thanh Ba
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu - thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp |