Ông Ted Engelmann, 78 tuổi, từ Mỹ đến Việt Nam tham gia sự kiện Hành trình trở về: Nhật ký Đặng Thùy Trâm, được tổ chức tại không gian văn hóa, cà phê sách Tổ chim xanh, Hà Nội, hôm 11/5. Dù sức khỏe không tốt, ông có mặt sớm để chuẩn bị nội dung trò chuyện.
Dòng hồi tưởng của nhiếp ảnh gia bắt đầu với cuộc gặp Frederic Whitehurst trong một hội thảo về chiến tranh Việt Nam ở Texas (Mỹ) năm 2005. Frederic Whitehurst - cựu sĩ quan tình báo Mỹ - đã thu được nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm tại chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi năm 1970. Ban đầu, ông định châm lửa đốt song người thông dịch của ông đã cản: ''Đừng đốt. Bản thân nó có lửa rồi''. Qua những lời dịch vội, Frederic xúc động, mang theo hiện vật về Mỹ khi hết thời gian phục vụ ở Việt Nam.
Tại hội thảo, Frederic gây chú ý với bài thuyết trình về cuốn nhật ký. Nhiều người tham dự ngỏ ý muốn giúp Frederic tìm gia đình bác sĩ, trong đó có Ted. Tối đó, ông được Robert Whitehurst - anh trai Frederic, cũng từng là cựu binh Mỹ - đưa cho một CD có toàn bộ bản scan nhật ký. Từ đó, ông quyết định đến Hà Nội và bắt đầu tìm kiếm gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Nhờ sự giúp đỡ của một người bạn Việt Nam, ông lần theo manh mối ít ỏi và biết địa chỉ công tác trước khi nghỉ hưu của bố mẹ nữ bác sĩ, qua đó tìm được gia đình họ. Ngày 25/4/2005, Ted trao lại bản nhật ký cho mẹ bác sĩ.
Theo Ted Engelmann, những trang viết của Đặng Thùy Trâm khiến ông thấy tức giận trước chiến tranh. Càng đọc, ông càng khẳng định đây là cuộc chiến phi nghĩa, gây nên bao nỗi đau, sự mất mát. Một trong số đoạn để lại nhiều ấn tượng với ông là: ''Hôm nay tôi làm phẫu thuật cắt ruột thừa mà không đủ thuốc, chỉ có vài tuýp Novocain. Nhưng người lính bị thương không hề kêu ca, khóc lóc. Anh chỉ mỉm cười và khuyến khích tôi".
Sau sự kiện năm 2005, nhiếp ảnh gia và người thân thêm gắn kết với gia đình bác sĩ, nhất là mẹ Đặng Thùy Trâm. ''Bà ấy rất đặc biệt với tôi'', ông nói. Năm 2009, Ted và vợ quay lại Hà Nội thăm và tặng món quà do mẹ ông chuẩn bị cho mẹ nữ liệt sĩ. Khi bà qua đời năm ngoái, nhiếp ảnh gia vội xin visa về Việt Nam, đưa tang bà như một thành viên trong nhà.
Có mặt ở buổi trò chuyện ngày 11/5, bà Đặng Kim Trâm - em gái bác sĩ - nhiều lần xúc động. Bà là người đánh máy lại bản thảo để xuất bản cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm. "Việc soạn lại những dòng chữ còn nhuốm máu của chị tôi là khó khăn lớn. Tôi mất hai tháng hoàn thành vì vừa làm việc vừa khóc'', bà nói.
Tác phẩm ra mắt năm 2005, dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ. Sách sau đó trở thành hiện tượng văn học, là ấn phẩm bán chạy kỷ lục trong nước. Đến nay, ấn phẩm đã được dịch ra 18 thứ tiếng và xuất bản trên 22 quốc gia. Nhật ký cũng được chuyển thể thành phim Đừng đốt (đạo diễn Đặng Nhật Minh), ra đời năm 2009, cùng lúc nhận hai giải thưởng lớn là Bông Sen Vàng và Cánh Diều Vàng. Dự án từng đoạt giải thưởng duy nhất tại Liên hoan phim Fukuoka, Nhật Bản, đồng thời đại diện Việt Nam đăng ký dự Oscar lần thứ 82.
Liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26/11/1942, có bố là bác sĩ ngoại khoa Đặng Ngọc Khuê, mẹ là dược sĩ Doãn Ngọc Trâm - nguyên giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, chị xung phong vào công tác ở chiến trường B. Tháng 3/1967, chị vào đến Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ - đơn vị dân y nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh. Ngày 22/6/1970, chị bị địch phục kích trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, hy sinh khi mới 27 tuổi.
Phương Linh