Khuyến học xanh: Vì sự phát triển bền vững của thủ đô

Sáng 15/4, Hội Khuyến học Hà Nội đã tổ chức hội thảo chuyên đề "Khuyến học xanh - Vì sự phát triển bền vững của thủ đô".


Tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Ngọc Minh - Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội - khẳng định hoạt động khuyến học có vai trò hỗ trợ đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân hữu ích, đồng thời thúc đẩy việc học tập suốt đời, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.


Hiện nay, hoạt động khuyến học không chỉ diễn ra trong bối cảnh xã hội số, mà còn cần thích ứng với yêu cầu của một xã hội xanh, hướng đến xây dựng xã hội học tập tại Việt Nam.


Trong những năm gần đây, Hà Nội đang trên đà phát triển, các cấp, ngành cùng chung tay xây dựng thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Nhận thức của người dân, đặc biệt là giới trẻ, về bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao.


Tuy nhiên, Hà Nội vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong thúc đẩy tăng trưởng xanh. Sự hiểu biết và nhận thức về môi trường của một bộ phận người dân còn hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi xanh của thủ đô.


Trong giai đoạn 2025-2030, nhiệm vụ trọng tâm của Hội Khuyến học các cấp là triển khai hiệu quả các mô hình học tập theo đúng chức năng "Hỗ trợ và khuyến khích việc dạy và học, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập suốt đời trong hệ thống giáo dục liên tục".


Để góp phần thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Hội Khuyến học Việt Nam đã xây dựng chương trình "Khuyến học xanh", triển khai theo Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 về "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050".


Hội thảo chuyên đề "Khuyến học xanh - Vì sự phát triển bền vững của thủ đô" được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên Hội Khuyến học Hà Nội về tầm quan trọng của Chiến lược tăng trưởng xanh đối với sự phát triển bền vững của thủ đô.


Chuyển đổi xanh giáo dục là thay đổi cách dạy và học


Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - đã làm rõ khái niệm chuyển đổi xanh trong lĩnh vực giáo dục.


Theo ông, chuyển đổi xanh giáo dục là quá trình tạo dựng mô hình giáo dục xanh, nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững. Việc "xanh hóa" giáo dục hướng tới đào tạo nguồn nhân lực có khả năng tham gia nền kinh tế xanh - một xu thế tất yếu trên toàn cầu.


GS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh: "Chuyển đổi xanh trong giáo dục là thay đổi phương pháp dạy và học từ truyền thống sang hiện đại, giúp người học tự định hướng, phát triển tư duy sáng tạo và tăng khả năng tương tác với thế giới bằng lối tư duy tăng trưởng bền vững.


Giáo dục là một bộ phận của hệ thống kinh tế quốc dân, do đó chiến lược giáo dục xanh phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế xanh. Việc chuyển đổi giáo dục không thể tách rời các mục tiêu và định hướng mà Đảng và Nhà nước đã đề ra trong Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia".


GS.TS Phạm Tất Dong đề xuất hai hướng chính để Hội Khuyến học triển khai chuyển đổi xanh. Thứ nhất, Hội Khuyến học các cấp cần hỗ trợ hoạt động dạy và học trong hệ thống giáo dục chính quy, nhằm góp phần đào tạo đội ngũ nhân lực mới chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức.


Thứ hai, Hội Khuyến học cần thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập suốt đời trong cộng đồng để phát huy tiềm năng cá nhân, từ đó nâng cao năng suất lao động, sức sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển bền vững của quốc gia.


Hội Khuyến học cần hỗ trợ đào tạo lực lượng "lao động xanh"


Ở góc độ chuyên môn, TS.KTS Ngô Thị Kim Dung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội - nhấn mạnh vai trò then chốt của lực lượng "lao động xanh" trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh.


Theo bà Dung, để xây dựng được đội ngũ này, công tác đào tạo là yếu tố then chốt. Hội Khuyến học các cấp có thể đóng vai trò hỗ trợ đào tạo lao động xanh thông qua việc nâng cao nhận thức cộng đồng, tạo cơ hội học nghề, khuyến khích học tập suốt đời và kết nối cơ hội nghề nghiệp.


Lao động xanh là lực lượng làm việc trong các ngành nghề có tác động tích cực đến môi trường, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Khác với lao động thông thường, lao động xanh cần có hiểu biết chuyên sâu về công nghiệp xanh, công nghệ tái tạo và các giải pháp bảo vệ môi trường.


Việc đào tạo lao động xanh đang đối mặt với những khó khăn và thách thức, như việc thiếu nguồn lực và cơ sở hạ tầng đào tạo phù hợp. Hơn nữa, công nghệ và các ngành nghề xanh còn khá mới mẻ, đòi hỏi việc đào tạo cần liên tục cập nhật. Một bộ phận người lao động còn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc chuyển sang nền kinh tế xanh.


Dù có những thách thức đặt ra, nhưng việc đào tạo lao động xanh sẽ mang lại nhiều thuận lợi. Nền kinh tế xanh đang được Chính phủ và các tổ chức quốc tế như Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ủng hộ mạnh mẽ, tạo ra cơ hội lớn cho các ngành nghề xanh phát triển.


Với sự gia tăng nhu cầu về năng lượng tái tạo, công nghệ xanh và nông nghiệp bền vững, lao động xanh sẽ có nhiều cơ hội việc làm. Việc đào tạo lao động xanh sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu nhân lực, mà còn tạo giá trị bền vững cho nền kinh tế.


Ngoài ra, các chương trình đào tạo lao động xanh còn có nhiều cơ hội nhận được sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước và sự đầu tư của các tổ chức quốc tế.









Khuyen hoc xanh: Vi su phat trien ben vung cua thu do


Sang 15/4, Hoi Khuyen hoc Ha Noi da to chuc hoi thao chuyen de "Khuyen hoc xanh - Vi su phat trien ben vung cua thu do".

Khuyến học xanh: Vì sự phát triển bền vững của thủ đô

Sáng 15/4, Hội Khuyến học Hà Nội đã tổ chức hội thảo chuyên đề "Khuyến học xanh - Vì sự phát triển bền vững của thủ đô".
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá