Việt Nam đang áp dụng giá điện một thành phần, tức tiền trả theo sản lượng dùng. Cách tính này được đánh giá chưa phản ánh chính xác chi phí ngành điện bỏ ra (khấu hao tài sản, đường dây, trạm biến áp...) cho mỗi khách hàng.
Sửa Luật Điện lực lần này, Chính phủ cho biết sẽ đưa ra cơ chế để giá điện theo thị trường, dần tiến tới xóa bù chéo giữa nhóm khách hàng dùng điện sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, góp ý tại phiên thảo luận chiều 7/11, ông Phạm Văn Hòa cho rằng dự thảo luật chưa có lộ trình rõ ràng việc xóa bù chéo này. Trong đó, chưa có cơ chế giá điện hai thành phần (gồm giá theo sản lượng điện tiêu thụ và công suất đăng ký).
"Không thể chấp nhận việc bù chéo trong giá điện, để khách hàng bị thu giá cao bù cho nhóm khác chịu thấp hơn. Như vậy thiếu công bằng, không khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện", ông nói và đề nghị bổ sung quy định cụ thể cơ cấu giá điện hai thành phần, do đây được coi là một trong số giải pháp xóa bù chéo.
Chưa kể, giá theo thị trường sẽ tránh việc ngành điện báo lỗ hằng năm, do phải bù chênh lệch giá. "Mua cao thì phải bán cao, không thể mua cao lại bán thấp", ông nói thêm.
Việc thí điểm giá điện hai thành phần từng được nhà chức trách nhắc tới trước đây. Đầu năm nay Bộ Công Thương giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu, báo cáo về cơ chế giá này. Theo báo cáo đề án giá điện hai thành phần được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi Bộ Công Thương tuần trước, tập đoàn này đề xuất thí điểm giá điện hai thành phần theo từng giai đoạn.
Trước mắt việc thí điểm áp dụng cho nhóm khách hàng dùng điện lớn. Số này gồm nhóm dùng điện sinh hoạt trên 2.000 kWh một tháng hoặc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo 3 cấp điện áp gồm cao áp (từ 110 kV trở lên), trung áp (từ 6 kV đến dưới 110 kV trở lên) và hạ áp (dưới 6 kV). Trong đó, giá công suất (đồng/kW/tháng) dự kiến được tính theo cấp điện áp, còn giá điện năng (đồng/kWh) theo giờ bình thường - cao - thấp điểm.
Về nguyên tắc, khách hàng sẽ trả riêng cho mỗi kW công suất họ đăng ký hàng tháng với nhà cung cấp. Khi không sử dụng, họ vẫn phải trả chi phí này, thay vì ngành điện chịu và thu hồi qua điều chỉnh giá như hiện nay.
Một trong số cơ chế để giá điện theo thị trường là phát triển thị trường điện cạnh tranh. Thực tế, khái niệm này từng được đưa ra cách đây khoảng 20 năm. Song đến nay Việt Nam chưa có thị trường điện cạnh tranh thực sự, theo ông Trần Hữu Hậu, nguyên Bí thư Thành ủy Tây Ninh.
Ở lần sửa đổi này, dự luật đưa ra nguyên tắc hoạt động thị trường theo 3 cấp độ gồm phát điện cạnh tranh, bán buôn cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh. Chính phủ đề xuất Thủ tướng quy định điều kiện, cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện cạnh tranh, lộ trình phát triển thị trường này.
Theo ông Hậu, muốn có thị trường điện cạnh tranh thực sự, phải tách bạch 3 khâu của ngành là phát điện, truyền tải và điều độ hệ thống điện quốc gia.
"Những sửa đổi lần này chưa có quy định pháp lý đủ mạnh để thay đổi mang tính quyết định, giúp thị trường điện cạnh tranh vận hành, công bằng và minh bạch", ông Hậu nhận xét.
Ông Tạ Văn Hạ - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng băn khoăn các quy định vẫn khá chung, nhất là chưa rõ cải cách cơ chế giá điện, tiến tới xóa bù chéo giữa các nhóm khách hàng, vùng miền thế nào.
"Quy định thế này thì không biết bao giờ Việt Nam mới có được thị trường điện cạnh tranh", ông quan ngại.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết đến nay, Việt Nam đã hoàn thành thị trường phát điện cạnh tranh, khi hơn 52% nguồn điện thuộc các tập đoàn ngoài EVN, như PVN, TKV và các nhà đầu tư tư nhân. Hiện EVN chiếm trên 37% tỷ trọng nguồn điện.
Về thị trường bán buôn, chính sách mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa các hộ dùng điện lớn vừa được ban hành. Đây là cơ sở để vận hành thị trường bán buôn.
Ông Diên cũng cho biết cơ quan này đang nghiên cứu sửa cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, giá điện hai thành phần... những yếu tố cho thị trường bán lẻ điện.
Tuy vậy, ông nói "giá điện không thể hoàn toàn theo thị trường, do phải gắn với định hướng xã hội chủ nghĩa". Tức là, đầu vào dù cao nhưng đầu ra phải có kiểm soát, để đảm bảo kiểm soát và an toàn kinh tế vĩ mô.
Để giá điện theo thị trường, tiến tới xóa bù chéo, ông Thạch Phước Bình, Ủy viên Ủy ban Kinh tế đề nghị xây dựng cơ chế giá linh hoạt, nhất là giá cho từng loại năng lượng, khu vực. Giá này sẽ được tính theo giờ cao - thấp điểm, điều kiện địa lý và nguồn cung điện.
"Điều này sẽ khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm vào khung giờ thấp điểm, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng", ông nói.
Ông cũng đề xuất dự thảo luật đưa ra lộ trình trong chuyển đổi từ cơ chế độc quyền sang thị trường điện cạnh tranh. "Cần bổ sung quy định cụ thể về các bước thực hiện mở cửa thị trường điện, gồm bán buôn và bán lẻ cạnh tranh", ông Bình nói.
Cùng với đó, trách nhiệm cơ quan quản lý, giám sát và điều phối thị trường điện, cũng như quy định về kiểm soát độc quyền của các tập đoàn lớn trong ngành điện. Việc này nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, nhà đầu tư.
Trình Quốc hội, Chính phủ mong muốn được xem xét, thông qua dự thảo luật này ở một kỳ họp, tức tại kỳ họp thứ 8 đang diễn ra. Tuy nhiên, theo các đại biểu Quốc hội, nhiều nội dung sửa đổi quan trọng như mua bán điện, giá điện, thị trường điện... chưa kể các chính sách sửa đổi mang tính dài hạn nên việc thông qua tại một kỳ họp "quá gấp rút".
"Cần thời gian đánh giá tác động, nhất là khách hàng dùng điện với các chính sách nêu tại dự thảo luật. Thông qua tại một kỳ họp sẽ không đảm bảo tính khả thi", ông Hòa nói và đề nghị xem xét, thông qua dự thảo luật này tại kỳ họp thứ 9 vào giữa năm 2025.
Trước nhiều băn khoăn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói sẽ tiếp thu tối đa ý kiến các đại biểu để hoàn thiện, trình thông qua vào cuối kỳ họp này.
"Không có chính sách, không có đầu tư, tức không có điện. Vì thế, chậm một ngày luật này được thông qua, chúng ta sẽ chậm nhiều năm trong thu hút đầu tư, đủ điện cho phát triển", ông nói.
Anh Minh