Khi nào phẫu thuật bàn chân bẹt cho trẻ?

Phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng để điều trị bàn chân bẹt sau khi các phương pháp như vật lý trị liệu, mang giày chỉnh hình không hiệu quả.


Bàn chân bẹt là tình trạng lòng bàn chân (vòm bàn chân) bằng phẳng, không có hõm cong tự nhiên khi đứng trên mặt sàn. Trẻ em dễ bị bàn chân bẹt nhất do cấu trúc xương và dây chằng còn mềm dẻo, dễ bị biến dạng dưới tác động của trọng lực và các yếu tố di truyền, tư thế sai.


BS.CKII Nguyễn Ngọc Tiệp, khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết phương pháp nội khoa và vật lý trị liệu bảo tồn được ưu tiên để cải thiện bàn chân bẹt, phẫu thuật chỉnh hình thường là lựa chọn cuối cùng. Mục tiêu phẫu thuật là giúp tái tạo cấu trúc bàn chân, đưa bàn chân trở lại trạng thái vòm vốn có, từ đó cải thiện dáng đi, giảm đau và ngăn ngừa các biến chứng. Các trường hợp có thể chỉ định phẫu thuật bao gồm:


Điều trị bảo tồn không hiệu quả: Khi trẻ đã áp dụng các bài tập vật lý trị liệu, sử dụng giày, đế giày chỉnh hình trong thời gian dài nhưng bàn chân vẫn không tự điều chỉnh hoặc các triệu chứng không giảm.


Bàn chân bẹt cứng: Đây là dạng bàn chân bẹt không có vòm ngay cả khi không chịu trọng lực hoặc nhón gót. Trường hợp này thường phức tạp hơn và ít đáp ứng với điều trị bảo tồn.


Trẻ dưới 7 tuổi không đáp ứng tốt điều trị nội khoa: Với trường hợp đặc biệt như bàn chân bẹt gây đau đớn dữ dội, cản trở sinh hoạt nghiêm trọng và các phương pháp không xâm lấn không đạt hiệu quả, trẻ nhỏ hơn 7 tuổi vẫn có thể được xem xét phẫu thuật.


Bất thường về gân gót hoặc cấu trúc xương biến dạng nghiêm trọng: Khi bàn chân bẹt kèm theo các dị tật cấu trúc xương rõ ràng, dây chằng hoặc gân gót bị co rút, biến dạng quá mức, phẫu thuật là giải pháp duy nhất để chỉnh hình.


Với phẫu thuật bàn chân bẹt, hầu hết người bệnh có thể xuất viện ngay trong ngày hoặc sau thời gian ngắn theo dõi, được hướng dẫn cách đi lại bằng nạng. Bàn chân được bó bột để cố định khớp trong tối đa 6 tuần. Trẻ nên cố gắng để chân nghỉ ngơi, hạn chế tối đa áp lực lên chân và kê cao chân giúp giảm sưng, đau.


Một tuần sau phẫu thuật, cơn đau giảm đáng kể. Người bệnh có thể bắt đầu đi lại quãng ngắn với nạng. Khoảng 5-6 tuần sau mổ, trẻ có thể bắt đầu các bài tập vật lý trị liệu chuyên biệt để phục hồi, cải thiện thể lực, sự cân bằng, tính linh hoạt và sức mạnh ở chân.


Bác sĩ Tiệp khuyên ba mẹ nên đưa trẻ đi tầm soát bàn chân bẹt sớm trong độ tuổi "vàng" 3-6 tuổi, nhất là trẻ béo phì và thừa cân. Phát hiện sớm và điều trị bằng phương pháp bảo tồn ở giai đoạn này thường mang lại hiệu quả cao, giúp bàn chân tự điều chỉnh và giảm đáng kể nguy cơ phải can thiệp phẫu thuật phức tạp sau này.


Anh Kiệt


Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp







Khi nao phau thuat ban chan bet cho tre?


Phau thuat la lua chon cuoi cung de dieu tri ban chan bet sau khi cac phuong phap nhu vat ly tri lieu, mang giay chinh hinh khong hieu qua.

Khi nào phẫu thuật bàn chân bẹt cho trẻ?

Phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng để điều trị bàn chân bẹt sau khi các phương pháp như vật lý trị liệu, mang giày chỉnh hình không hiệu quả.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá