Thực trạng trên diễn ra tại dự án kè chống xói lở bờ kênh ở thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Trên đoạn kè này, nhiều vị trí sụt lún nặng, mái kè bê tông sạt trượt thành từng mảng, bị kéo tụt xuống mép nước, làm lộ rõ lớp đất bên trong.
Bên cạnh đó, hệ thống thanh giằng bê tông trên mặt và dưới đáy kè cũng bị xô lệch, kéo sụt xuống kênh, có nơi sạt trượt cách mặt đường 0,5-1m. Hệ thống cống bê tông, vốn được thiết kế để chịu áp lực nước dưới chân kè cũng hư hỏng, nhiều ống bê tông đã rời ra, nằm ngổn ngang giữa lòng kênh.

Theo tìm hiểu, hệ thống kè chống xói lở bờ kênh tại thôn Mỹ Thủy có tổng mức đầu tư hơn 3,3 tỷ đồng, từ nguồn vốn thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới kết hợp với nguồn vốn đối ứng của địa phương.
Công trình có chiều dài gần 380m, do UBND xã Hải An làm chủ đầu tư, được khởi công ngày 10/7/2023, hoàn thành và bàn giao vào ngày 29/9/2023.
Nhìn hệ thống kè vừa đưa vào sử dụng hơn một năm đã hỏng nghiêm trọng, ông Phan Thanh Hội (67 tuổi), trú tại thôn Mỹ Thủy lắc đầu ngán ngẩm. Theo ông Hội, chỉ sau 2 đợt mưa lũ, đoạn kè vừa xây dựng và đưa vào sử dụng đã vỡ tan tành, đặt ra dấu hỏi lớn về chất lượng công trình.

"Cứ nghĩ có hệ thống kè này, người dân chúng tôi sẽ hết cảnh lo mất đất sản xuất và vỡ hồ tôm. Ai ngờ chưa được bao lâu, kè đã vỡ tan tành thế này. Sắp tới chính quyền không khắc phục được hư hỏng, chúng tôi đành phải trồng cây dứa dại để chống xói lở", ông Hội chia sẻ.
Tình trạng kè thủy lợi hư hỏng cũng khiến ông Võ Trung Tuyến, một hộ nuôi trồng thủy sản tại xã Hải An lo lắng. Theo ông Tuyến, hồ nuôi cá, tôm, ốc hương của ông và hàng chục hộ dân trên địa bàn đang bị đe dọa nghiêm trọng.
"Nhiều điểm ven con kênh đã bị xói lở sâu, trong khi kè hư hỏng, không đủ khả năng bảo vệ thân đê. Chúng tôi đang lo nếu mưa lớn, bờ kênh nguy cơ bị vỡ, đe dọa hồ nuôi trồng thủy sản. Vừa rồi tôi phải mua cát gia cố điểm xói lở nặng gần hồ nuôi của mình", ông Tuyến nói.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Hải An, giải thích rằng nguyên nhân hư hỏng là do kè đưa vào sử dụng đúng thời điểm mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về mạnh nhưng lòng kênh hẹp, khiến dòng nước chảy xiết, tạo xoáy làm xói lở tầng đáy.
Điều này dẫn đến việc các thanh giằng, hệ thống cống bê tông và phần mái kè sạt lở, xô lệch, sụt lún và bị cuốn trôi.
Theo ông Thọ, chính quyền địa phương đã khảo sát hiện trường, đo đếm khối lượng sạt lở và báo cáo lên cấp trên để tìm phương án xử lý. Tuy nhiên, tuyến kè tại thôn Mỹ Thủy đã hư hỏng nghiêm trọng, gần như không thể sửa chữa.
"Kinh phí của xã rất hạn hẹp, không thể xây mới. Trước mắt, chúng tôi sẽ phối hợp với người dân trồng cây trên tuyến kè để hạn chế xói lở trong mùa mưa sắp tới", ông Thọ nói.