Hoàng Hà là một trong những diễn viên chính của Điều ước cuối cùng - phim điện ảnh Việt về tuổi mới lớn. Cô đóng Thy, nữ sinh có cuộc sống xáo trộn khi bị bạn bè phát hiện là người đồng tính. Trở lại màn ảnh rộng sau hai năm, cô nói về cơ duyên đến với dự án và quá trình nhập vai.
- Vai diễn mới có điểm gì thu hút chị?
- Khi nhận lời mời từ đạo diễn Đoàn Sĩ Nguyên, suy nghĩ đầu tiên nảy ra trong tôi là "Vai này hay quá". Thy có tính cách thú vị: khó đoán, ít biểu lộ cảm xúc nhưng sống rất tình cảm. Trong tác phẩm gốc Hàn Quốc lẫn Trung Quốc (bản làm lại), nhân vật là con trai, nhưng ở bản Việt vai này là lesbian. Tôi thích chinh phục những vai khó như thế.
Ban đầu, tôi băn khoăn vì vẻ ngoài của tôi khá nữ tính. Tôi từng suy nghĩ khá rập khuôn là những người đồng tính nữ sẽ có ngoại hình tomboy (cô gái có phong cách nam tính). Tôi đề xuất với đạo diễn mình sẽ cắt tóc ngắn, nhưng Nguyên cho biết Thy là một cô gái mềm mại, dịu dàng như bao nữ sinh khác. Do đó, tôi giữ mái tóc, chỉ tỉa layer để thể hiện nét phóng khoáng của nhân vật.
- Phân cảnh nào thách thức chị nhất trong phim?
- Cảnh đáng nhớ nhất của tôi là khi Thy bị Trang - hot girl của trường (Katleen Phan Võ đóng) - chất vấn, hỏi dồn trong phòng kín vì một chuyện hiểu lầm. Đứng trước người mình thầm thích, Thy ngượng ngùng nhưng cũng rung động, xao xuyến. Khi đọc kịch bản, tôi đau đầu tư duy, không biết có diễn được nét ấy không, vì bản thân chưa từng yêu con gái (cười).
Tôi và Katleen có một buổi workshop để tập dượt thêm cho phân đoạn trước khi bấm máy. Sự chuyên nghiệp của bạn diễn giúp tôi vững tâm lý, dần lấy được cảm xúc. Quay xong, đạo diễn nói lúc xem chúng tôi diễn đoạn đó, anh bị cuốn theo vì biểu cảm của cả hai.
Một cảnh khó xử lý khác ở giữa phim, Thy và cậu bạn Long (Quỳnh Lý) thừa nhận thất bại trong việc giúp Hoàng (Avin Lu) thực hiện tâm nguyện cuối đời. Đây là cảnh quan trọng, khi cả hai nhận ra họ yếu kém, đồng thời đối diện sứt mẻ về tình bạn. Lúc đó, tôi phải ngồi cheo leo trên thành cầu, vừa thoại với bạn diễn vừa nhìn xuống mặt kênh, sợ bị rơi. Chúng tôi phải quay nhiều lần để tìm được ngưỡng cảm xúc hợp lý cho nhân vật. Cuối cùng, đó là một trong những cảnh tôi tâm đắc nhất.
- Chị lấy chất liệu nhập vai bằng cách nào?
- Tôi tìm những tác phẩm cùng đề tài, xem sự tương tác, hòa hợp của hai diễn viên nữ khi đóng các cảnh tình cảm sẽ thế nào. Tôi còn quan sát thực tế, tâm sự với một người bạn thuộc cộng đồng LGBT để hiểu thêm cảm giác khi yêu một cô gái ra sao. Nghe bạn ấy kể, tôi chợt hiểu giới tính chỉ là lớp vỏ, vì sau cùng đó là tình yêu giữa người và người. Tôi dần tiếp cận kịch bản theo góc nhìn ấy.
Tôi từng được một số bạn nữ tỏ tình. Có lần, tôi đi chơi riêng cùng một người, dù không phải hẹn hò đúng nghĩa. Khi ấy, trong tôi dâng lên một cảm xúc đặc biệt, lạ lẫm, khó gọi tên. Tôi cảm giác được "mở khóa" bản thân ở đâu đó, và nhận ra tình cảm chân thành - dù đến từ giới nào - cũng đều đáng quý.
- Chị đồng cảm với những rắc rối thời học sinh của nhân vật ra sao?
- Thời đi học, tôi đứng trong top 3 của lớp. Tôi rất siêng, thậm chí giờ ra chơi vẫn ngồi ôn bài, thành tích cứ thế tăng tiến. Tuy nhiên, có giai đoạn tôi không muốn đến trường nữa vì cảm giác bị cô lập. Mỗi lần lên bảng, tôi nghe sau lưng có tiếng xì xào, chỉ trỏ. Có những buổi sáng, tôi vừa đạp xe vừa khóc, nghĩ trong đầu "Mình không muốn đi học nữa".
Một ngày, tôi không chịu được nữa nên quyết định ở nhà. Khi bố mẹ gặng hỏi, tôi nói ra. Sự việc sau đó được thông báo với giáo viên và không còn tái diễn. Tôi dần vượt qua bằng cách chú tâm học hành, tập trung ôn thi đại học. Dù vậy, sau này thỉnh thoảng tôi vẫn bị áp lực bởi ánh nhìn của người khác, có thể vì khủng hoảng đầu đời ấy.
- Chị nói sao trước nhận xét thiếu đột phá, chưa thoát được hình tượng "diễn viên phim thanh xuân"?
- Có lẽ mặt tôi nhìn khá trẻ, vóc dáng nhỏ nhắn nên được nhiều đạo diễn mời đóng dạng vai này. Tôi không thích đóng khung ở một thể loại, nhưng vẫn không từ chối phim thanh xuân, miễn là kịch bản hấp dẫn. Ví dụ, vai người cháu tên M trong phim điện ảnh Thái Lan Gia tài của ngoại (2024) là một nhân vật hay mà tôi đang tìm kiếm.
Với môi trường làm phim trong nước, đa số phải theo trình tự: dự án đến trước, diễn viên nhận lời đóng và thay đổi hình tượng theo. Tôi tin vào chữ "hữu duyên". Ngày càng có nhiều nhà làm phim tiềm năng, do đó cũng sẽ có thêm nhiều kịch bản hứa hẹn cho tôi và các diễn viên trẻ. Tôi không thể định hình phong cách đóng phim của mình, nhưng sẽ nương theo dòng chảy điện ảnh để nắm bắt cơ hội, đồng thời trang bị kiến thức, kỹ năng mới về diễn xuất. Sắp tới, tôi muốn thử sức với dạng vai trưởng thành hơn, chẳng hạn một luật sư.
Hoàng Hà xuất thân là diễn viên lồng tiếng, vào nghề từ năm 2015. Cô từng đóng nhiều MV, trong đó có Nàng thơ - video đạt hơn 130 triệu lượt xem của ca sĩ Hoàng Dũng. Năm 2022, cô gây chú ý khi vào vai Dao Ánh thời trẻ - người đẹp từng được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết hơn 300 thư tình trong Em và Trịnh (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh). Tác phẩm đạt doanh thu hơn 100 tỷ đồng, giúp cô được nhiều đạo diễn chú ý. Sau đó, cô tiếp tục ghi dấu trên màn ảnh nhỏ, trong đó có phim Chúng ta của 8 năm sau.
Mai Nhật