Họa sĩ nói về ý tưởng sáng tác bộ truyện Ký ức kiều bào, bàn luận về thể loại truyện tranh lồng ghép sự kiện lịch sử cùng các diễn giả tại tọa đàm Truyện tranh: khi văn hóa - lịch sử "kết duyên" cùng hội họa, diễn ra sáng 11/5 tại Nhà xuất bản Kim Đồng. Sự kiện có sự tham gia của nhà nghiên cứu văn học Lê Nguyên Long, dịch giả Phùng Hồng Minh.
Clément Baloup ra mắt độc giả Việt loạt sách Ký ức kiều bào: Lính thợ - Lao động Việt tại Pháp giữa Thế chiến 2 và Ký ức kiều bào: Chân đăng - phu mỏ người Việt ở Tân Thế giới. Hai cuốn sách kể cuộc đời của những người lao động Việt sống xa quê trong giai đoạn chiến tranh, thời kỳ lịch sử biến động. Song, họ vẫn có những phẩm chất điển hình của dân tộc: Cần cù, lạc quan, không khuất phục khó khăn, luôn hướng về Tổ quốc.
"Tôi muốn dùng truyện tranh để gắn kết ký ức lịch sử và các mốc thời gian có ý nghĩa, nhằm hé lộ lẽ tất yếu của số phận con người", họa sĩ cho biết. Là người mang hai dòng máu Pháp - Việt, có bố là người Việt di cư từ năm 20 tuổi, được cử đi làm việc tại nhiều quốc gia, anh lớn lên trong sự giao thoa giữa các nền văn hóa. Trải nghiệm từ thời thơ ấu giúp họa sĩ hình thành thế giới quan, phong cách sáng tác. Trong quá trình vẽ và viết, anh luôn đặt câu hỏi: Mình là ai, đến từ đâu? Tại sao mình là con lai? Bố đã đến Pháp như thế nào?
Họa sĩ nghiên cứu lịch sử, tư liệu, các thủ pháp hội họa và phỏng vấn nhân vật để tái hiện chân dung con người, không gian Việt Nam, Pháp, New Caledonia, chọn cách tiếp cận, lối kể nhẹ nhàng, không nghiêm trọng hóa vấn đề để người đọc tự suy ngẫm. Theo anh, khi "tiếng nói" không đủ, vẽ là cách bày tỏ suy nghĩ cá nhân, đối thoại với người đọc, thể hiện với thế giới góc nhìn của bản thân.
Tại tọa đàm, các diễn giả cũng bàn luận về sức hút của thể loại truyện tranh kết hợp tư liệu lịch sử. Dịch giả Phùng Hồng Minh nêu thực trạng chung ở Việt Nam hiện nay, khi truyện tranh luôn được coi là thể loại dành cho trẻ em, nhiều phụ huynh không muốn con đọc thể loại này, cho rằng ảnh hưởng không tốt. Song, các diễn giả nhìn nhận graphic novel (tiểu thuyết hình họa) là thể loại văn chương khá mới trong nước nhưng có tiềm năng phát triển. Tác giả Clément nhấn mạnh đây là loại hình nghệ thuật độc lập, kết hợp "tinh tế" giữa chữ và tranh, cho phép tái hiện không gian, khắc họa chân dung, tâm lý của con người.
Dịch giả Phùng Hồng Minh đồng tình, nhận định tiểu thuyết hình họa giúp truyền tải yếu tố văn hóa, lịch sử dễ dàng bởi so với dùng văn bản, người đọc phải tự tưởng tượng, hình ảnh có tác động trực tiếp vào thị giác nhiều hơn.
Nhà nghiên cứu Lê Nguyên Long lấy ví dụ từ các tác giả người Mỹ gốc Việt, thông qua màu sắc, họ thể hiện những khía cạnh của phân biệt chủng tộc như màu da, cộng đồng thiểu số. Theo anh, "graphic novel có thể truyền tải các vấn đề lớn như di dân, chiến tranh, phân biệt chủng tộc với chiều sâu văn hóa, là cơ hội để những người trong cộng đồng di dân - vốn có rào cản ngôn ngữ - được cất tiếng nói. Những phản ánh về đời sống, thế giới quan của họ được thể hiện bằng câu thoại và hình ảnh".
Từ những năm 2000 tại Pháp, thị trường truyện tranh có những chuyển mình, mở đường cho dòng graphic novel phát triển, có những tác phẩm truyện tranh mang tính chất văn học, sáng tạo, biểu đạt, suy ngẫm. Theo Clément Baloup, ở nước này, "việc sử dụng truyện tranh như công cụ truyền tải văn hóa, lịch sử phổ biến không kém gì một tác phẩm văn học". Các chuyên gia cũng đưa ví dụ tại Mỹ, một số đại học mở lớp dạy về graphic novel cho sinh viên.
Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Những ngày văn học châu Âu, là hoạt động thường niên của Viện Văn hóa Quốc gia Liên minh châu Âu (EUNIC), diễn ra lần đầu năm 2011. Chủ đề năm nay là Từ đâu và đến đâu: Những tiếng nói văn học di dân châu Âu, khám phá quá trình sáng tác của những tác giả gốc Việt tại châu lục này. Sự kiện diễn ra ngày 8-12/5, được tổ chức trong bối cảnh đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng như kỷ niệm 35 năm quan hệ với Liên minh châu Âu, 75 năm quan hệ với Cộng hòa Czech và 50 năm quan hệ với Cộng hòa Liên bang Đức.
Châu Anh