Ngày 25/4, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đơn vị đang làm rõ một đường dây sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sử dụng phiếu kết quả thử nghiệm giả mạo để đưa sản phẩm ra thị trường, do Công ty TNHH Công nghệ Herbitech (ở xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) sản xuất.
Bước đầu, lực lượng chức năng xác định được 2 sản phẩm giả là thực phẩm bảo vệ sức khỏe do Công ty Herbitech sản xuất là BABY SHARK và Medi Kid Calcium K2, dành cho trẻ em. Bên cạnh đó, công ty này đã gia công, sản xuất hơn 200 sản phẩm khác có giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Được quảng cáo là nhập khẩu từ Pháp, Đức, Mỹ, nhưng thực tế, cơ quan điều tra xác định giá thành và chất lượng của sản phẩm do Herbitech sản xuất không đúng như công bố.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH công nghệ Herbitech (tiền thân là Công ty TNHH Công nghệ Intechpharm) thành lập từ tháng 5/2003. Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thực phẩm chức năng), mỹ phẩm và các sản phẩm liên quan đến y tế.

Thời điểm mới thành lập, công ty do ông Hà Minh Toản, sinh năm 1968 làm người đại diện pháp luật. Vốn điều lệ công ty là 2,2 tỷ đồng do 5 cá nhân góp vốn thành lập.
Trong đó, ông Toản góp 40% vốn (tương đương 880 triệu đồng); ông Nguyễn Đình Hải, Nguyễn Văn Chung mỗi người góp 20% vốn (tương đương 440 triệu đồng/người); ông Phạm Văn Trường góp 5% vốn (tương đương 110 triệu đồng); ông Nguyễn Thế Toàn góp 15% vốn (tương đương 330 triệu đồng). Đến tháng 4/2013, ông Nguyễn Đình Hải chuyển 20% vốn góp sang cho ông Hoàng Văn Khương.
Đến thời điểm tháng 12/2017, dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy doanh nghiệp đã đổi tên thành Công ty TNHH công nghệ Herbitech, ông Phạm Vũ Khiêm làm Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Vốn điều lệ công ty thời điểm đó ở mức 10 tỷ đồng, trong đó ông Khiêm góp 85% vốn (tương đương 8,5 tỷ đồng); ông Trần Văn Trường góp 15% vốn còn lại. Tuy nhiên chỉ sau 3 tháng, ông Trường đã chuyển 15% vốn góp sang cho bà Phạm Thị Hiền.

Đến tháng 8/2021, công ty tăng vốn điều lệ lên 22 tỷ đồng, trong đó bà Hiền góp 17,65% vốn (tương đương hơn 3,8 tỷ đồng); ông Khiêm góp 70,59% vốn (tương đương hơn 15,5 tỷ đồng); bà Đinh Thị Thu Hà góp 11,76% vốn còn lại (tương đương hơn 2,5 tỷ đồng).
Lần tăng vốn điều lệ gần nhất là tháng 7/2023. Theo đó, công ty tiếp tục tăng vốn lên 40 tỷ đồng, trong đó, bà Hiền góp 17,705% vốn (tương đương hơn 7 tỷ đồng); ông Khiêm góp 70,573% vốn (tương đương hơn 28,2 tỷ đồng), bà Hà góp 11,722% vốn (tương đương hơn 4,6 tỷ đồng).
Tại cơ quan công an, Phạm Vũ Khiêm khai nhận đã sửa khoản chỉ tiêu đạt công bố sản phẩm, nhằm đủ điều kiện đưa ra bán ngoài thị trường. Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Thành, cán bộ Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, cho biết các đối tượng sản xuất hàng giả sẽ sản xuất ra hàng loạt các sản phẩm theo tiêu chí của khách hàng.
Để sản phẩm giả được lưu hành ra thị trường, các đối tượng sẽ gửi các mẫu đi trưng cầu thành phần, định lượng như đã công bố. Khi tiến hành kiểm nghiệm, với các mẫu không đạt, các đối tượng sẽ liên kết, trao đổi và thống nhất với các công ty xét nghiệm để chỉnh sửa kết quả, hoặc làm khống phiếu kết quả kiểm nghiệm.