Ngày 11/4, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam và gia đình họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã tổ chức triển lãm Hành trình Huỳnh Phương Đông nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và kỷ niệm 100 năm ngày sinh của họa sĩ (22/4/1925-22/4/2025).

Triển lãm Hành trình Huỳnh Phương Đông tại Hà Nội lần này giới thiệu hơn 150 bức tranh, gồm nhiều chất liệu khác nhau như than chì, màu nước, bút mực, bột màu, lụa, sơn dầu...
Những tác phẩm và ký họa, trực họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông không đơn thuần là những tác phẩm nghệ thuật mà còn là chứng nhân lịch sử cho sự hy sinh, tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân ta.
Mảng ký họa chân dung đã được họa sĩ Huỳnh Phương Đông thể hiện chân thật, sinh động về những con người đã sống và chiến đấu, anh dũng quên mình đi qua cuộc chiến như các đồng đội, dũng sĩ, chiến sĩ biệt động, thanh niên xung phong, chiến sĩ giao liên... được tác giả thực hiện ngay tại chiến trường.
Đặc biệt, trong triển lãm này, lần đầu tiên tác phẩm khổ lớn nhất của họa sĩ Huỳnh Phương Đông là Chiến thắng Ấp Bắc (sáng tác năm 1963, dài 760cm) được trưng bày.
Bức tranh là toàn cảnh trận đánh thu nhỏ trong một cuộn giấy đặc biệt với kích thước 100x760cm, được cuộn tròn bọc kỹ cất kín. Chỉ những ai thân quen, họa sĩ mới cho xem vì mỗi lần xem rất vất vả, ông tự tay tháo dây, trân trọng, nhẹ nhàng mở ra từng đoạn trên nền nhà hẹp đã được quét dọn sạch, không chứa được độ dài bức tranh.

Ngoài ra, một số tác phẩm khác về những trận đánh đi vào lịch sử như trận La Ngà, mặt trận cầu chữ Y hay những địa danh huyền thoại như đất thép Củ Chi, căn cứ Rừng Sác... cũng lần đầu được giới thiệu với công chúng.
Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - nhấn mạnh, triển lãm đưa người xem trở về với những năm tháng hào hùng, sống lại những ký ức không thể nào quên qua từng nét vẽ của người chiến sĩ, họa sĩ anh dũng, kiên cường.
Đồng thời, đây cũng là dịp để thế hệ trẻ hôm nay cảm nhận và hiểu hơn giá trị của hòa bình, trân trọng những hy sinh thầm lặng của thế hệ đi trước, từ đó tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Nói về hình ảnh người lính trong tranh của Huỳnh Phương Đông, NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - cho biết, những tác phẩm về chiến tranh cách mạng của họa sĩ thể hiện cái nhìn chân thực, trực tiếp về thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
"Họa sĩ Huỳnh Phương Đông vẽ ký họa bằng chì, bút nước rất nhanh để kể sự kiện thời đó. Khi nhìn các tác phẩm của ông, tôi thấy rất đẹp và có nhiều cảm xúc. Người lính trong tranh của họa sĩ rất gan dạ, kiên cường, truyền được tinh thần yêu nước tới người trẻ", NSND Vương Duy Biên bày tỏ.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 2/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (phố Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội).

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông tên thật là Huỳnh Công Nhãn, sinh năm 1925, tại Gia Định (nay là TPHCM), từng học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (1957-1963). Ông vừa là họa sĩ, vừa là chiến sĩ, tham gia cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Huỳnh Phương Đông là bí danh của ông từ năm 1963, khi vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Sau ngày đất nước thống nhất, ông vẫn dùng bí danh này làm bút danh chính thức để hoạt động mỹ thuật.
Họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã dành cả cuộc đời cống hiến hết mình cho dân tộc, cho nghệ thuật. Ông đã để lại một kho tàng di sản nghệ thuật quý giá với hàng nghìn ký họa về con người và phong cảnh, với mảng đề tài lớn nhất là chiến tranh cách mạng.