Lời Tòa soạn:
Từ những bản làng xa xôi, với hành trang là nghị lực và khát khao tri thức, nhiều bạn trẻ đã vượt qua bao trở ngại để chinh phục giảng đường, bước đầu gặt hái thành tích đáng nể trong học tập. Họ không chỉ viết tiếp ước mơ của mình mà còn ấp ủ hoài bão quay về dựng xây quê hương, lan tỏa những nét đẹp văn hóa dân tộc. VietNamNet xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả những câu chuyện đầy cảm hứng này!
Khác hẳn với vẻ nhút nhát của 5 năm trước, Hồ Văn Đôi (dân tộc Tà Ôi), sinh viên năm cuối ngành Kinh tế Giáo dục vùng dân tộc thiểu số tại Học viện Dân tộc, hiện rất tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Chàng trai sinh năm 2002 là Chủ nhiệm câu lạc bộ Tuổi trẻ sinh viên của trường. Nhưng để đi đến ngày hôm nay, Đôi từng không ít lần đứng trước lựa chọn nên đi tiếp hay dừng việc học.
Hồ Văn Đôi hiện là sinh viên năm cuối ngành Kinh tế Giáo dục vùng dân tộc thiểu số tại Học viện Dân tộc. Ảnh: NVCC
Sinh ra trong một gia đình đông con ở xã Hồng Thượng (huyện A Lưới, Huế), Đôi lên 5 tuổi, bố đột ngột qua đời. Từ đó, một mình mẹ Đôi nuôi 8 anh em ăn học. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn, các anh chị của Đôi đều phải nghỉ học đi làm phụ giúp gia đình.
Đôi học xong lớp 12, anh chị khuyên Đôi nên nghỉ học để ở nhà cưa gỗ. Biết con thích đi học, mẹ dù không ngăn cản nhưng cũng không còn cách nào khác. Mẹ nói với Đôi: “Nếu con muốn đi học, mẹ cũng không có tiền đâu”.
Đôi nhớ lại, việc chọn đi tiếp hay dừng lại, cho đến tận bây giờ vẫn là lựa chọn khó khăn nhất trong cuộc đời em. “Nếu quyết đi học, em không có tiền. Chưa tính đến học phí, chỉ lo cái ăn thôi em cũng chưa biết làm cách nào”.
Dẫu vậy, khát khao được đi học thôi thúc Đôi tìm ra cách. Vốn yêu thích Toán, Đôi tìm hiểu và quyết định đăng ký nguyện vọng vào Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) vì tại đây, sinh viên được hỗ trợ 100% học phí. Về chi phí sinh hoạt, Đôi dự định tự xoay sở sau khi vào trường.
Nhờ sự quyết tâm, năm 2020, Đôi trở thành một trong 3 học sinh của lớp đỗ đại học. Em cũng là người duy nhất trong gia đình được học tiếp lên bậc học này.
Đôi (ngoài cùng bên phải) dần tự tin, tích cực tham gia các hoạt động. Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, học một thời gian, nam sinh nhận thấy môi trường này không phù hợp với bản thân. Biết câu chuyện của Đôi, cô hiệu trưởng Trường THPT A Lưới đã khuyên học trò nên tìm hiểu Học viện Dân tộc. Thấy Đôi có hoàn cảnh khó khăn, cô đề xuất làm các thủ tục và lo chi phí cho Đôi ra Hà Nội.
Nhận được sự giúp đỡ từ cô, Đôi quyết định thử sức. “Em lo cho tương lai của mình và cũng không đành khi nhìn mẹ già đi mỗi ngày. Em quyết tâm phải đi học để sớm thành công”, Đôi nói.
Lần này, Hồ Văn Đôi rời bản tới Thủ đô bắt đầu cuộc hành trình với hệ dự bị đại học. Ngày đầu tiên ở Hà Nội, Đôi bị lừa mất 1/4 số tiền - vốn được người thân chung tay gom góp lại. Cũng vì chưa nói được tiếng phổ thông, Đôi lạc lõng, ngại tiếp xúc với mọi người. Hàng loạt những trải nghiệm ấy khiến Đôi tự ti, khép mình.
Phải mất vài tháng, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè trong lớp, Đôi mới có thể giao tiếp bằng vốn từ cơ bản. Sau 1 năm học hệ dự bị, năm 2021, Đôi chính thức trúng tuyển vào ngành Kinh tế Giáo dục vùng dân tộc thiểu số của Học viện Dân tộc.
Hồ Văn Đôi là người dân tộc Tà Ôi. Ảnh: NVCC
Vừa đi học, Hồ Văn Đôi vừa đi làm thêm để trang trải cuộc sống. Đôi cũng chủ động trong mọi việc, học cách phát biểu gãy gọn, tự tin. Đến năm thứ hai, nam sinh bắt đầu tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện và dự án hướng tới cộng đồng.
Hiện tại, Hồ Văn Đôi là chủ nhiệm câu lạc bộ Tuổi trẻ sinh viên Học viện Dân tộc, hăng hái tham gia các dự án giúp đỡ bà con các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa như tại huyện Bát Xát, Lào Cai hay tại xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông, Điện Biên...
Đôi cũng là người đồng hành sáng lập dự án “Cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam” nhằm chia sẻ thông tin về các dân tộc thiểu số tại Việt Nam trên các nền tảng mạng xã hội. Tự hào khi là người con của dân tộc Tà Ôi - một trong 53 dân tộc thiểu số tại Việt Nam, Đôi cho rằng, những việc mình làm đều xuất phát từ mong muốn lan tỏa nét đẹp, cuộc sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số.
“Những ngày đầu ở Hà Nội, em khá bất ngờ vì nhiều bạn không biết đến dân tộc Tà Ôi. Vì vậy, em mong muốn nhiều người sẽ biết tới nét đặc sắc của dân tộc mình, đồng thời có thể giúp người đồng bào dân tộc thiểu số có tiếng nói trong cộng đồng”, Đôi nói.
Hồ Văn Đôi nhận Giải thưởng Vừ A Dính năm 2024. Ảnh: NVCC
Sau nhiều năm học tập tại Học viện Dân tộc, Đôi cho biết ngày càng nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc phải bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trên hành trình này, thanh niên càng có vai trò quan trọng.
Nam sinh rất tâm đắc câu nói của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Văn hóa còn là dân tộc còn”. Đó cũng chính là lý tưởng cho hành trình cống hiến vì cộng đồng của Đôi.
“Nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, em mới được đi học và làm rất nhiều thứ như ngày hôm nay. Do đó, em mong việc học của mình không chỉ giúp ích cho bản thân, gia đình mà còn có thể quay trở về thôn bản đóng góp, cống hiến cho chính dân tộc, quê hương của mình”, Đôi chia sẻ.
Nhờ những thành tích của mình, Hồ Văn Đôi nhận Giải thưởng Vừ A Dính năm 2024, được tôn vinh là “Tấm gương đẹp của bản làng” vì có nhiều đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Kỳ tới: Nữ sinh dân tộc Thái chia sẻ bí quyết đạt 29 điểm thi đại học khối C