Việt Nam đã ghi nhận 26 ca mắc giun rồng kể từ năm 2020, chủ yếu tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái (11), Phú Thọ (10), Thanh Hóa (2), Hòa Bình (1), Lào Cai (2). PGS.TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng trung ương, nói đa phần bệnh nhân là nam giới, có thói quen tiêu thụ thực phẩm sống hoặc chưa được nấu chín.
Trước đó, năm 1998, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng xác nhận nước ta không còn bệnh này. Chuyên gia WHO cảnh báo đây có thể là loài giun mới, khác với loài từng gặp ở châu Phi, khuyến cáo Việt Nam nên giám sát bệnh chặt chẽ.
Giun rồng (Dracunculus medinensis) xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa khi người dùng nước hoặc thực phẩm nhiễm ấu trùng từ các sinh vật thủy sinh như cá, ếch, tôm. Mọi lứa tuổi đều có nguy cơ nhiễm bệnh, với tỷ lệ mắc có thể lên đến 60%.
Đặc điểm của giun cái trưởng thành là thân dài 70-120 cm, rộng 1-2 mm, chứa khoảng ba triệu ấu trùng. Giun đực nhỏ hơn nhiều, chỉ dài khoảng 4 cm và chết sau khi giao phối.
Bệnh phát triển âm thầm trong cơ thể. Người nhiễm thường không có biểu hiện gì trong năm đầu tiên. Sau đó, khi giun cái di chuyển dưới da, các triệu chứng mới xuất hiện như sốt nhẹ, chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy, ngứa và tê cứng tại vùng giun cư trú.
Giai đoạn tiếp theo, vết sưng tấy vỡ ra, tiết dịch vàng kèm một phần giun màu trắng. Nếu không can thiệp, con giun sẽ tự thoát ra hoàn toàn trong 3-6 tuần.
Mặc dù hiếm khi gây tử vong trực tiếp, bệnh có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng thứ phát, áp xe, viêm khớp, tê liệt tủy sống hoặc liệt nửa người. Các hậu quả này ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập và lao động của người bệnh.
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị hay vaccine phòng ngừa giun rồng. Cách điều trị duy nhất là chờ giun tự chui ra và lấy một cách cẩn thận để tránh đứt giun. Quá trình này có thể kéo dài từ 5-7 ngày đến vài tháng.
Tuyệt đối không nên phẫu thuật hoặc kéo giãn giun giữa chừng. Nếu giun đứt, hàng triệu ấu trùng sẽ phát tán vào mô, gây viêm nhiễm trầm trọng, nhiễm trùng huyết, viêm cứng khớp hoặc áp xe.
Trong một số trường hợp, giun không thoát ra qua da mà tự thoái hóa hoặc di chuyển vào các khớp, gây bệnh lý tại đó.
Các chuyên gia khuyến cáo để phòng ngừa bệnh, người dân nên đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bằng cách ăn chín, uống sôi; sử dụng dụng cụ chế biến thực phẩm chín và sống riêng biệt (thớt, dao, máy xay, bát, đĩa...), vệ sinh tay sau chế biến thực phẩm sống. Nấu chín thực phẩm thủy sinh như ếch, cá, tôm...
Người đang trong giai đoạn tiến triển của bệnh thì không nên tắm, rửa tại ao hồ hoặc nguồn nước sinh hoạt khác để tránh phát tán ấu trùng ra môi trường. Làm sạch vết thương, băng bó thường xuyên vùng da bị bệnh cho đến khi lấy hết hoàn toàn giun ra khỏi cơ thể.
Thúy Quỳnh