Thông tin được PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Hưng, Vụ Phó Tổ chức Cán bộ (Bộ Y tế) chia sẻ tại hội nghị tổng kết 9 năm thực hiện Thông tư 43 về công tác xã hội của bệnh viện và góp ý sửa đổi thông tư mới, ngày 28/11.
Theo ông Hưng, hoạt động công tác xã hội, hỗ trợ người bệnh đã có từ hàng nghìn năm nay, chủ yếu mang tính bộc phát, nhỏ lẻ của cá nhân các thầy thuốc. Từ năm 2010, sau đề án của Chính phủ và đặc biệt sau các hướng dẫn của Bộ Y tế năm 2015, hoạt động này ngày càng chuyên nghiệp, đi đúng quỹ đạo, theo hướng tận tâm, hiệu quả, có sự quản lý của nhà nước. Điều này giúp bệnh nhân an tâm, tin tưởng hơn khi đến viện.
TS.BS Hà Anh Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng nhìn nhận những năm qua, công tác xã hội từ chưa có tên tuổi đến lĩnh vực được cả xã hội thừa nhận, giúp người bệnh được hỗ trợ với nhiều hình thức khác nhau, không chỉ về mặt hành chính mà còn về tâm lý, vật chất, tái hòa nhập cộng đồng...
"Trước đây ngành y tế có nhiều khủng hoảng không đáng có, xuất phát từ những tai nạn nghề nghiệp, sai sót chuyên môn, chủ yếu là công tác truyền thông còn yếu kém", ông Đức nói. Hiện, tình hình được cải thiện đáng kể. Ngành công tác xã hội cần được ngày càng chuyên nghiệp hóa, với đội ngũ nhân viên phải có chứng chỉ hành nghề.
Khảo sát mới đây trên toàn quốc ghi nhận 640 cơ sở khám chữa bệnh có hoạt động công tác xã hội, kể cả nhiều bệnh viện tuyến quận huyện. 9 năm qua, gần một tỷ lượt người bệnh được chỉ dẫn, tư vấn thông tin, hỗ trợ trong quá trình khám chữa bệnh. Nhiều bệnh nhân được hỗ trợ về pháp lý, tâm lý, chính sách bảo hiểm y tế, thủ tục xuất viện, các hoạt động giải trí, đọc sách, bếp ăn từ thiện, đồng hành cùng người bệnh ung thư, vận chuyển cấp cứu, các chuyến xe về quê...
Đặc biệt, những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được tặng quà, vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ viện phí. Đơn cử, Bệnh viện Chợ Rẫy những năm qua đã vận động được hơn 111,5 tỷ, giúp gần 16.500 bệnh nhân. Một số nơi như Bệnh viện Nhi đồng 2, Nhi Trung ương, Bạch Mai còn lập ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, trong bối cảnh nhiều bệnh nhân bị bạo hành, bỏ rơi, xâm hại tình dục...
Lãnh đạo Vụ Tổ chức Cán bộ cho rằng khó khăn hiện nay là cả nước có hơn 9.400 người làm công tác xã hội, trong đó chỉ hơn 10% là cử nhân hoặc thạc sĩ công tác xã hội, cử nhân tâm lý. Rất nhiều người trong lĩnh vực này là bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên hành chính, không được đào tạo chuyên nghiệp về công tác xã hội.
"Muốn làm công tác xã hội tốt, cần có sự giao thoa của 3 vòng tròn, gồm kiến thức về y tế, công tác xã hội và pháp luật", ông Hưng nói, thêm rằng nếu không trang bị những kiến thức này, rất khó hỗ trợ tốt cho bệnh nhân.
Đại diện các bệnh viện cho biết khó khăn hiện nay trong hoạt động công tác xã hội là nhân lực còn mỏng, chưa có bằng cấp chuyên môn về công tác xã hội, thiếu nhân sự hoạt động tâm lý lâm sàng, không có phụ cấp ưu đãi nghề, thu nhập hạn chế trong khi nhân viên trực tiếp tiếp xúc với lượng lớn bệnh nhân hàng ngày. Ở nhiều nơi, lãnh đạo viện chưa có sự quan tâm, chỉ đạo, chưa có kinh phí và các điều kiện hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức các hoạt động phục vụ cho người bệnh.
Nhiều bệnh viện chưa thiết lập được việc hỗ trợ khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh, chưa thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí, không vận động tài trợ được cho bệnh nhân khó khăn. Việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức lĩnh vực này, tổ chức các hoạt động từ thiện cộng đồng... chưa được nhiều nơi xem trọng.
Lê Phương