Thông tin được ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết chiều 5/7. Đây là bước triển khai sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Kết luận 174 (ngày 4/7), giao Tổng Liên đoàn chủ trì, phối hợp Bộ Nội vụ nghiên cứu chính sách cho đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách làm việc theo hợp đồng lao động, hưởng lương và phụ cấp từ nguồn kinh phí công đoàn, bị ảnh hưởng bởi việc tinh giản.
Theo ông Hiểu, chính sách hỗ trợ sẽ được xây dựng dựa trên Nghị định 178 của Chính phủ về sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và Nghị định 154. Nguồn chi trả sẽ sử dụng từ tài chính công đoàn. "Chính sách sẽ đảm bảo tối đa quyền lợi của cán bộ công đoàn, phù hợp với đặc thù từng nhóm và năng lực tài chính của tổ chức", ông nói.
Báo cáo từ các liên đoàn lao động địa phương cho biết, cả nước hiện có gần 600 cán bộ công đoàn chuyên trách ký hợp đồng trước ngày 15/1/2019 sẽ phải nghỉ việc để thực hiện sắp xếp lại tổ chức.
Ông Hiểu đánh giá đây là lực lượng giàu kinh nghiệm, có chuyên môn, gắn bó chặt chẽ với cơ sở và người lao động. Nhiều người có thành tích nổi bật, tâm huyết với tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, do yêu cầu tinh gọn bộ máy, họ phải nghỉ việc. "Chúng tôi rất thấu hiểu tâm tư của anh chị em, nên đã nỗ lực xây dựng đề xuất chính sách trong thời gian qua", ông nói.
Trên thực tế, Nghị định 178 và các thông tư hướng dẫn hiện hành chưa bao quát nhóm cán bộ công đoàn chuyên trách. Vì vậy, Tổng Liên đoàn đã hai lần gửi văn bản đề xuất bổ sung đối tượng được hưởng chế độ. Đảng ủy Tổng Liên đoàn cũng báo cáo đến Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trung ương. Vấn đề này cũng đã được nêu trong buổi làm việc với Tổng Bí thư Tô Lâm ngày 23/6.
"Với chủ trương mới từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chính sách sắp tới sẽ thể hiện sự ghi nhận và trân trọng đóng góp của lực lượng cán bộ công đoàn chuyên trách", ông Hiểu nói.
Trước đó, nguyên Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cũng đã gửi kiến nghị đến các cơ quan, Tổng bí thư Tô Lâm xem xét giải quyết chế độ hỗ trợ cho cán bộ công đoàn chuyên trách làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo ông Tùng, lực lượng này phát sinh do biên chế công đoàn không đảm đương hết các nhiệm vụ của tổ chức do số lượng công nhân, đoàn viên, công đoàn cơ sở ngày càng tăng. Việc hỗ trợ không chỉ giúp họ giảm bớt khó khăn khi nghỉ việc do sắp xếp bộ máy mà còn ghi nhận sự đóng góp cho sự phát triển của tổ chức công đoàn.
Lê Tuyết