Công điện tối 9/1 của Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thời giao Bộ Giao thông Vận tải sớm hoàn thành, báo cáo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về kết quả thí điểm dùng cát biển đắp nền dự án giao thông. Các công việc này hoàn thành trước ngày 20/1, làm cơ sở cấp phép khai thác, chủ động nguồn vật liệu, giảm phụ thuộc cát sông.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải cũng chịu trách nhiệm rà soát hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng các dự án, nếu thiếu phải bổ sung để đủ nguồn san lấp.
Bộ trưởng Xây dựng được giao đôn đốc địa phương công bố chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu, giá nhân công. Các địa phương rà soát mỏ khoáng sản làm vật liệu san lấp trên địa bàn để cấp phép theo tiến độ thi công.
Thời gian qua, hàng loạt cao tốc được triển khai nhưng thiếu vật liệu san lấp. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần đốc thúc bộ ngành nghiên cứu dùng cát biển san lấp cao tốc, thay cát sông.
Hồi tháng 5, Bộ Giao thông Vận tải thí điểm mẫu cát biển lấy tại Trà Vinh và Sóc Trăng để xây cao tốc. Kết quả cho thấy cát biển tại đây đạt chỉ tiêu cơ lý, đáp ứng yêu cầu cho cát đắp nền đường.
Bộ đã cho thí điểm sử dụng cát biển trên tuyến ĐT978 thuộc dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau.
Đến cuối năm 2023, cơ quan chức năng xác định 145 triệu m3 cát biển ở Sóc Trăng có thể dùng làm vật liệu đắp nền cao tốc, sau một năm nghiên cứu.
Khu vực đánh giá rộng 250 km2 tại vùng biển thuộc tỉnh Sóc Trăng, cách bờ 16-18 km. Cơ quan nghiên cứu đã xác định được một thân khoáng cát biển trên diện tích 160 km2 với trữ lượng đáp ứng tiêu chuẩn san lấp hạ tầng đô thị, san lấp nền đường ôtô.
Cấu tạo thân khoáng là các thành tạo cát hạt mịn, bở rời, lẫn ít bột. Tính đồng nhất về thành phần, độ hạt khá cao. Chiều dày thân cát trung bình 4,3 m; hàm lượng cát trung bình 82,8%.
Viết Tuân