Từ 10/5, giá điện bán lẻ bình quân tăng 4,8%, lên 2.204,07 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Điện là nguyên liệu sản xuất đầu vào, nên khi giá tăng ảnh hưởng tới chi phí của các doanh nghiệp. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 574.000 khách hàng kinh doanh dịch vụ sẽ trả thêm trung bình 332.000 đồng một tháng. Tương tự, nhóm sản xuất (1,98 triệu khách hàng) tăng 677.000 đồng, khối hành chính sự nghiệp (719.000 khách hàng) thêm 125.000 đồng.
Nói với VnExpress, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), cho biết thông thường điện chiếm 4-6% trong chi phí sản xuất ngành dệt may. VitaJean hiện có ba nhà máy sản xuất, trong đó hệ thống điện mặt trời tại hai nhà máy may có sản lượng điện đủ dùng, thậm chí còn dư. Việc này giúp doanh nghiệp giảm một phần chi phí năng lượng và đáp ứng yêu cầu "xanh hoá" sản phẩm.
Tuy nhiên, nhà máy wash - chuyên thực hiện các công đoạn xử lý bề mặt như giặt, tẩy, làm mòn, nhuộm - vẫn phải phụ thuộc một phần vào nguồn năng lượng từ lưới quốc gia. Do vậy, giá điện tăng khiến chi phí sản xuất tại đây lập tức bị đội lên 1-2%.
"Hiện chúng tôi nỗ lực sản xuất, chạy đua hoàn thiện các đơn hàng để kịp giao trước khi thuế đối ứng có hiệu lực", ông Việt nói. Giá điện tăng sẽ góp phần tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam - vốn đã yếu thế hơn so với các nước khác về công nghệ và nguồn nhân lực.
Ngoài hệ thống điện mặt trời áp mái, doanh nghiệp này đã áp dụng nhiều giải pháp, tối ưu hóa toàn bộ công nghệ trong những năm qua. Phương án đầu tư pin tích trữ điện năng cũng được doanh nghiệp tính tới, để tận dụng năng lượng dư từ hai nhà máy may chuyển sang phục vụ nhà máy wash. Tuy nhiên, giá thiết bị lưu trữ vẫn quá cao, trong khi doanh nghiệp đang chịu áp lực chồng chất từ giá nguyên liệu, thuế quan đến chi phí vận hành, nên phương án này chưa thể triển khai.
Sau 8 tháng giá mới được thay đổi và đây là lần tăng đầu tiên trong năm nay. Song từ đầu 2023 đến nay, sau 4 lần điều chỉnh, giá điện đã tăng hơn 18%.
Giá điện tăng trong bối cảnh EVN vẫn lỗ lũy kế từ sản xuất kinh doanh điện khi giá điện chưa phản ánh đúng - đủ chi phí, tức là nhà đèn đang mua cao bán thấp. Theo kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương công bố cuối năm 2024, giá thành sản xuất điện 2.088,9 đồng một kWh, vẫn cao hơn so với mức giá bán lẻ bình quân sau 2 lần tăng trong năm (1920 đồng).
Chưa kể, cơ cấu các nguồn điện giá đắt ngày càng tăng. Thủy điện giá rẻ không còn nhiều dư địa, chỉ cung cấp được khoảng 25% nhu cầu. Còn lại 75% sản lượng đến từ các nguồn giá cao như điện than, khí, dầu, năng lượng tái tạo... Tỷ giá ngoại tệ diễn biến khó lường, tăng cao cũng ảnh hưởng đến chi phí khâu phát điện - vốn chiếm tỷ trọng khoảng 83% trong giá thành sản xuất.
Chia sẻ bên hàng lang Quốc hội tuần trước, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng việc EVN không cân bằng được tài chính sẽ dẫn tới họ không đủ nguồn lực đầu tư, mở rộng và nâng cấp hệ thống nguồn và lưới. Chưa kể, giá điện đang thấp hơn so với một số nước trong khu vực, như Thái Lan, Philipphines. Việc duy trì giá thấp sẽ khiến nền kinh tế bị thiệt hại do các doanh nghiệp, nhất là FDI không chịu đổi mới, đầu tư và tiếp tục dùng công nghệ lạc hậu.
Việc tăng giá khó tránh, nên giới chuyên môn cho rằng một trong những giải pháp mà người dân, doanh nghiệp cần tính tới là sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng. Theo chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, hạ tầng cung ứng điện hiện hữu của Việt Nam còn yếu và thiếu. Trong tình huống cực đoan - chẳng hạn thiếu nước cho thủy điện hoặc nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu tăng đột ngột - sẽ xảy ra nguy cơ thiếu điện. Do đó, các giải pháp căn cơ, như sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, là vô cùng quan trọng.
Doanh nghiệp chiếm khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Thực tế, giải pháp tiết kiệm cũng được nhiều doanh nghiệp tính toán đến trong vài năm trở lại đây.
Ông Nguyễn Văn Đạt, Phó giám đốc Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên, cho biết doanh nghiệp này đã mời các đơn vị có năng lực, trình độ cao kiểm toán điện năng, qua đó đánh giá, đưa ra những phương án tiết kiệm điện năng cho đơn vị. Ngoài ra, họ cũng nâng cấp và cải tạo các dây chuyền sản xuất, nâng năng suất, hiệu suất của thiết bị, áp dụng công nghệ và khoa học kỹ thuật, thay đổi các thiết bị có khả năng tiết kiệm năng lượng tốt hơn.
"Chúng tôi cố gắng giảm mức tiêu thụ điện hàng năm, lên kế hoạch chuyển đổi một phần sang sử dụng năng lượng xanh và năng lượng mặt trời", ông Đạt cho biết.
Aeon Mall Hà Đông - trung tâm thương mại Nhật Bản thứ hai tại Hà Nội - có mức năng lượng tiêu thụ mỗi tháng khoảng 2,7 triệu kWh vào mùa hè và 2 triệu kWh vào mùa đông. Năm ngoái, họ lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà với công suất 850 kWp, giúp giảm 2,8% tổng điện năng tiêu thụ hàng tháng. Cách đó 2 năm, trung tâm này cũng lắp đặt biến tần (inverter) để tối ưu hoá vận hành và tiết kiệm điện. Giải pháp này giúp tiết kiệm 38,6% năng lượng một năm.
"Việc tiết kiệm năng lượng giúp trung tâm thương mại duy trì hoạt động ổn định, giảm thiểu tác động từ các chi phí tăng cao do giá năng lượng thay đổi", ông Suzuki Atsuyuki, Tổng quản lý Trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông nói.
Song với phần lớn doanh nghiệp - đặc biệt là nhóm nhỏ và vừa - đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay nhằm cải tạo dây chuyền sản xuất, thiết bị hiệu suất cao hay chuyển đổi công nghệ, theo Bộ Công Thương.
Để giải quyết bài toán này, Chính phủ đang trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại kỳ họp lần này. Một trong những điểm nổi bật là đề xuất thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Dự kiến nguồn ban đầu của quỹ sẽ từ tài trợ của các đối tác phát triển như Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan hợp tác phát triển Đan Mạch, Liên minh châu Âu hoặc quỹ từ các tập đoàn đầu tư tư nhân, thu từ mua bán tín chỉ carbon, trái phiếu xanh....
Quỹ sẽ có chức năng cho vay với lãi suất ưu đãi, hoặc tài trợ, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp đầu tư, thay đổi dây chuyền sản xuất nhằm giảm tiêu thụ năng lượng trong sản xuất, kinh doanh. Quỹ có thể cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật thông qua Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO), hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực chuyên gia...
Hiện một số nước cũng có hình thành quỹ này. Chẳng hạn, Thái Lan lập Quỹ Tiết kiệm năng lượng từ năm 1992, nhiều bang tại Mỹ như California, New York, Massachusetts đã thành lập các Quỹ Năng lượng Sạch từ những thập niên 90.
Chính phủ Đức cũng đang vận hành nhiều quỹ và chương trình tài chính hỗ trợ hiệu quả năng lượng thông qua các thể chế như KfW (Ngân hàng tái thiết Đức) và BAFA (Văn phòng Liên bang về Kinh tế và Kiểm soát Xuất khẩu). Các quỹ này không chỉ cung cấp vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp và hộ gia đình, mà còn tài trợ một phần không hoàn lại cho các dự án đổi mới công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Bộ Công Thương khẳng định việc thiết lập Quỹ sẽ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu môi trường quốc tế và thúc đẩy thị trường năng lượng tiết kiệm - một lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng còn thiếu "bệ đỡ" về tài chính.
Ngoài ra, giá điện hai thành phần là một cơ chế được thiết kế để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng điện một cách hiệu quả và tiết kiệm hơn. Mô hình này thường được áp dụng cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp, và đôi khi là hộ gia đình sử dụng năng lượng nhiều.
Phó tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết tập đoàn đã xây dựng đề án về cơ chế giá hai thành phần, phối hợp chuyên gia tư vấn đầu ngành để tổng hòa các yếu tố đầu vào, thời tiết, tăng trưởng của nền kinh tế và các hành vi sử dụng của khách hàng. Dự kiến, đề án sẽ hoàn thành vào quý II (tháng 5, 6) và trình Bộ Công Thương, Chính phủ.
Phương Dung - Thi Hà