Thông tin được PGS.TS. Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế, cho biết tại hội thảo Tăng tốc chuyển đổi số y tế - Công nghệ và giải pháp cho Bệnh án điện tử tại cơ sở y tế tư nhân, do Hiệp hội Bệnh viện Tư nhân tổ chức hôm 10/5. Chương trình nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng thực tiễn về chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, giới thiệu các giải pháp công nghệ hiện đại, đặc biệt là ứng dụng bệnh án điện tử trong quản lý và chăm sóc sức khỏe.
"Mặc dù đã có cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số, nhưng việc triển khai bệnh án điện tử còn khá chậm", PGS Tường nói. Tính đến tháng 5/2025, chỉ có 174 trên tổng số 1.700 bệnh viện trên toàn quốc đã công bố triển khai bệnh án điện tử, loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng bệnh án giấy. Chính phủ và Bộ Y tế đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số, với mục tiêu đến ngày 30/9, 100% bệnh viện trên cả nước sẽ triển khai bệnh án điện tử. Bệnh án điện tử mang lại nhiều lợi ích như rút ngắn thời gian khám chữa bệnh, tăng tính chính xác, đồng thời giúp ngành y tế chủ động hội nhập, ứng dụng công nghệ trong thời đại 4.0.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay quá trình triển khai đang vấp phải nhiều khó khăn, đặc biệt về tài chính. Hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về nguồn kinh phí cho các hoạt động công nghệ thông tin y tế; các khoản chi này cũng chưa được tính vào giá dịch vụ khám chữa bệnh. Trung bình, mỗi bệnh viện tuyến tỉnh cần đầu tư trên 10 tỷ đồng cho hệ thống bệnh án điện tử, còn các đơn vị lớn tại Hà Nội như Bạch Mai, Việt Đức, con số này còn cao hơn nhiều. Ngoài ra, yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn, bảo mật thông tin cũng là thách thức lớn cần được giải quyết đồng bộ cùng quá trình chuyển đổi.
Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn thiện quy định về chi phí công nghệ thông tin trong giá dịch vụ y tế trước tháng 6, nhằm tạo hành lang tài chính rõ ràng cho bệnh viện. Hiện tại, giá khám chữa bệnh mới tính hai yếu tố: chi phí trực tiếp (thuốc men, vật tư...) và tiền lương, còn chi phí quản lý và khấu hao thiết bị vẫn chưa được đưa vào. Theo quy định mới, chi phí ứng dụng công nghệ thông tin sẽ thuộc nhóm "chi phí quản lý" như đã nêu trong Luật Khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang phối hợp hoàn thiện định mức kinh tế kỹ thuật cho các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh trên hệ thống RIS-PACS, tạo cơ sở xác định giá dịch vụ không in phim, giúp tối ưu hóa việc lưu trữ và chia sẻ dữ liệu y tế.
Trước yêu cầu cấp bách từ Chính phủ, Bộ Y tế cũng chỉ đạo tích hợp bệnh án điện tử và sổ sức khỏe điện tử với ứng dụng VNeID trước ngày 30/9, bảo đảm liên thông dữ liệu giữa các tuyến bệnh viện. Theo GS Đỗ Tất Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Tư nhân, ngành y tế tư nhân cần xây dựng lộ trình phù hợp cho từng nhóm bệnh viện, phù hợp thực tiễn từng địa phương để triển khai hiệu quả bệnh án điện tử, góp phần hiện đại hóa toàn ngành.
Lê Nga