Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) tối 8/1 công bố nghị quyết thành lập hai trường trên, trên cơ sở ba khoa cũ là Điện, Điện tử và Công nghệ thông tin.
Trước đó, HaUI đã thành lập trường Ngoại ngữ - Du lịch, Cơ khí - Ôtô, Kinh tế. Đây là tiền đề vững chắc để trường chuyển đổi mô hình quản trị từ "trường đại học" thành "đại học" đa ngành, đa lĩnh vực.
Theo TS Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng, việc này cũng nhằm thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả; đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thúc đẩy tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu.
Cả nước hiện có 9 đại học, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP HCM, Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Bách khoa Hà Nội, Kinh tế TP HCM, Duy Tân, Kinh tế Quốc dân. Trừ Duy Tân là đại học tư thục, còn lại là cơ sở công lập. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết dự kiến thành đại học trong năm nay.
Theo Luật Giáo dục đại học năm 2018, trường đại học và đại học là hai khái niệm khác nhau. Trường đại học, học viện là cơ sở đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành. Còn đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, gồm các trường đại học, khoa thành viên.
Để chuyển từ trường đại học thành đại học, Nghị định 99 năm 2019 của Chính phủ quy định các trường cần đảm bảo ba điều kiện: được tổ chức kiểm định hợp pháp đánh giá đạt chuẩn chất lượng; có ít nhất ba trường và 10 ngành đào tạo tiến sĩ, quy mô sinh viên chính quy trên 15.000; được cơ quan quản lý trực tiếp, các nhà đầu tư chấp thuận.
Đại học Công nghiệp Hà Nội hiện đào tạo khoảng 35.000 sinh viên, trong nhóm dẫn đầu về quy mô đào tạo của cả nước. Năm 2025, trường dự kiến tuyển 7.990 sinh viên cho 62 ngành và chương trình.
Dương Tâm