Jannik Sinner, nhà vô địch Wimbledon 2025, rời giải với khoản tiền thưởng 4 triệu USD. Nhưng chẳng cần phải ngồi trên ngôi vương All England Club mới là người chiến thắng về mặt tài chính. Với những tay vợt bị loại ở vòng một và cũng là nhóm thường giữ thứ bậc thấp, số tiền 90.000 USD vẫn là cả gia tài.
Dù vậy, không phải ai cũng được góp mặt ở Wimbledon, hay rộng hơn là Grand Slam và các giải thuộc ATP Tour, để kiếm tiền. Quỹ thưởng cũng như đối tượng tham dự có hạn, còn số VĐV đăng ký lại lớn hơn gấp nhiều lần. Với hầu hết những tay vợt ngoài top 100 thế giới, thực tế vô cùng khắc nghiệt khi chỉ riêng việc đảm bảo chi tiêu hòa vốn sau mỗi tuần đấu cũng là một thử thách gian nan.
Taro Daniel hiểu rõ điều đó. Hiện chủ yếu loanh quanh vị trí 150 thế giới, tay vợt Nhật Bản nếm trải nhiều thăng trầm trong sự nghiệp kéo dài hơn một thập kỷ qua. Đỉnh cao của Daniel ở Grand Slam là chiến tích đánh bại Andy Murray để vào vòng ba Australia Mở rộng 2022, giúp anh bỏ túi gần 150.000 USD cho một tuần làm việc.
Dù vậy, tấm séc đó không thể khiến Daniel thay đổi lối sống tiết kiệm đến tằn tiện trên Tour. Giống nhiều tay vợt cùng đẳng cấp và thứ bậc, Daniel dành phần lớn thời gian trong năm ở những phòng khách sạn thuê chung và thậm chí phải chi li cả việc ăn uống, dù dinh dưỡng là thứ tối quan trọng với VĐV ngày nay. Họ nỗ lực hết sức trên sân, những rồi kết quả nhận về chủ yếu vẫn là thất bại. Thua nhiều hơn thắng, nghĩa là tiền thưởng ít đi, còn tài khoản ngân hàng cứ hụt dần đều sau mỗi tuần.
"Lúc còn trẻ, tôi thậm chí không dám gọi thêm món bơ trong thực đơn vì phải bỏ ra 3 USD", Daniel nói. "Nhưng khi cố gắng tiết kiệm quá nhiều, điều đó lại ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng công việc".
6 tháng đầu năm nay, Daniel kiếm khoảng 180.000 USD tiền thưởng, song chi phí thi đấu đã "nuốt chửng" số tiền này trong nháy mắt, theo lời anh chia sẻ: "Những con số bạn thấy trên TV hay báo đài không thực. Tôi không nói là giả, nhưng hầu như chẳng còn lại mấy. Đầu tiên, bạn kiếm tiền ở nước ngoài, vì thế họ tính thuế và trừ đi khoản tiền chẳng nhỏ đâu".
Rất hiếm khi thấy một VĐV nào đó "đơn phương độc mã" ở Grand Slam hay các giải ATP ngày nay. Tất cả mọi tay vợt đều có HLV hoặc người hướng dẫn riêng. Đó là sự khác biệt lớn so với trước đây theo quan sát của Daniel: "10 năm trước, lúc tôi bắt đầu thi đấu nước ngoài thường xuyên, rất nhiều tay vợt đi một mình tới các giải đấu, bởi trình độ khi đó chưa quá cao".
Daniel cũng cho biết, thông thường ban tổ chức chi trả tiền phòng khách sạn cho tay vợt, nhưng không gồm đội ngũ của họ, như HLV, chuyên gia vật lý trị liệu hay bác sĩ. Với những tay vợt cỡ Daniel, mức lương cho HLV đi cùng ở các giải đấu trong năm rơi vào khoảng 50.000 USD, chưa kể khoản "hoa hồng" - thường là 10% tiền thưởng.
"Vậy là một mùa, bạn phải chi 100.000 USD cho HLV theo mình, và đó cũng chưa phải là người quá kinh nghiệm hay top đầu", Daniel nói thêm. "Trung bình hằng tháng, tôi tiêu thẻ tín dụng ít nhất 20.000 USD. Sao kê thì toàn chi phí cho khách sạn, thức ăn, vé máy bay, mà chưa bao gồm lương tôi trả cho đội của mình. Bạn giống như điều hành một công ty nhỏ, chỉ có điều khi là tay vợt, các nhân viên di chuyển cùng bạn toàn thời gian".
Kinh tế hạn hẹp làm nhiều tay vợt thận trọng với tinh thần hết sức cân nhắc lúc sắp xếp lịch trình thi đấu. Khi đến thời điểm phải lựa chọn và quyết định sự kiện nào sẽ tham dự, Daniel thú nhận anh cảm thấy "sợ" mỗi khi tính toán số tiền phải bỏ ra cho chuyến đi đó. Khó khăn càng lớn khi lịch thi đấu có thể thay đổi chóng vánh do phụ thuộc kết quả. Do đó, tay vợt thường phải đặt vé máy bay vào phút chót, dẫn đến giá tăng mạnh.
"Ví dụ hai giải Masters 1000 liên tiếp, ở Indian Wells và Miami", Daniel nói. "Bay chuyến đó mất ít nhất 500 USD. Ngoài ra, tay vợt thường mang theo hai người nữa, như HLV và chuyên gia vật lý trị liệu, rồi phí tính thêm do hành lý quá khổ để chứa vợt và đồ dùng khác. Nhìn chung, một chuyến bay nội địa Mỹ như vậy tốn khoảng 2.000 USD. Một chiều!".
Cựu số 58 thế giới không phải người duy nhất áp lực về vấn đề di chuyển. Dustin Brown từng nổi tiếng với việc du đấu và ngủ trên xe cắm trại trong ba mùa giải ở thời điểm đầu sự nghiệp. Năm ngoái, Billy Harris nổi lên không chỉ nhờ lọt vào tứ kết Queen’s Club Championships, mà còn bởi câu chuyện đầy cảm hứng khi anh dành hơn ba năm dùng xe van, di chuyển khắp châu Âu đánh các giải ITF và Challenger. Harris thậm chí có máy căng dây vợt ở trong xe.
Ở tuổi 32, gánh nặng tài chính đã vơi bớt phần nào với Daniel. Tay vợt Nhật Bản đã tích lũy tương đối ổn số dư ngân hàng để không phải lo về một tuần thi đấu kém chất lượng. Tuy nhiên, những tay vợt trẻ ngoài top 100 thì còn hành trình dài mới đạt tới ngưỡng thoải mái về kinh tế.
"Doanh thu một giải Grand Slam đạt cỡ 350 đến 500 triệu USD. Cộng thêm ATP và WTA nữa, tôi nghĩ các tổ chức này nên chung tay và phân bổ thêm tiền cho các tay vợt top 300 hoặc 400 thế giới, có thể mỗi người nhận trợ cấp 100.000 USD", Daniel nói. "Tôi thấy giải pháp đó hợp lý. Mỗi tổ chức chi khoảng 8-10 triệu USD, đó chẳng phải con số bất khả thi".
Vy Anh