Phim tài liệu Giữa vòng vây quân thù được Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp Tổng cục II (Bộ Quốc phòng) ra mắt dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), phát sóng tối 27/4. Với thời lượng gần 30 phút, xuất thân, sự nghiệp hoạt động tình báo của đại tá Phạm Ngọc Thảo - một trong những nhân vật bí ẩn nhất của cách mạng Việt Nam - lần đầu được thể hiện qua các thước phim.
Tác phẩm cung cấp các thông tin chi tiết về tiểu sử đại tá, được kể theo trình tự thời gian. Ông sinh năm 1922 trong một gia đình Công giáo trí thức, giàu có nổi tiếng ở Long Xuyên. Anh em của ông đều du học Pháp, trở thành kỹ sư, bác sĩ, luật sư, bản thân đại tá cũng mang quốc tịch nước này. Tuy nhiên, tháng 9/1945, khi Pháp bất ngờ quay lại xâm chiếm Nam Bộ, ông tuyên bố từ bỏ quốc tịch, lên đường chiến đấu.
Năm 1946, ông là một trong 12 cán bộ được cử ra miền Bắc học khóa I, trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là trường Sĩ quan Lục quân 1). Kết thúc việc học, Phạm Ngọc Thảo trở về Nam tham gia các hoạt động kháng chiến chống Pháp. Ông nhanh chóng đảm nhận nhiều vị trí quan trọng gồm: Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 410, Trung đoàn phó, Trưởng phòng Mật vụ Nam Bộ.
Bước ngoặt trong hoạt động cách mạng của Phạm Ngọc Thảo là thời điểm ông làm nhiệm vụ bảo vệ Bí thư Xứ ủy Nam Bộ Lê Duẩn từ Phú Yên về chiến trường Nam Bộ để lãnh đạo kháng chiến. Theo chỉ đạo của cấp trên, đại tá phải thâm nhập hàng ngũ cao cấp của chính quyền Sài Gòn.
Trong vai sĩ quan cao cấp, ông từng bước gây dựng lòng tin ở hàng ngũ Ngô Đình Diệm, được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa (nay là Bến Tre) năm 1958. Đại tá đứng sau nhiều biến động chính trị ở miền Nam đầu thập niên 1960, góp phần không nhỏ trong cuộc đảo chính lật đổ anh em ông Ngô Đình Diệm ngày 1/11/1963. Những năm làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa, ông cung cấp nhiều tài liệu liên quan cuộc hành quân của địch trong tỉnh, quân khu, hạn chế thiệt hại. Tại đây, đại tá cũng thả hơn 2.000 tù chính trị với lý do thực hiện chính sách thân dân của Tổng thống, tạo điều kiện để họ tiếp tục hoạt động cách mạng.
Đến nay, tư liệu về ông chỉ còn một số hình ảnh đen trắng. Trong phim tài liệu, chân dung nhà tình báo được dựng lại qua sách, báo, ký ức của người thân, đồng đội cùng thời hay những cá nhân từng xem ông là kẻ thù. Tác phẩm đan xen một số hình ảnh thời bình, nhắc nhở thế hệ sau trân trọng giá trị của độc lập, tự do.
Ở sách A Bright Shining Lie (Sự lừa dối hào nhoáng) của Neil Sheehan, ông Phạm Ngọc Thảo được nhắc đến là một "nhân vật hoạt động bí mật tài ba và kỳ lạ nhất của chiến tranh Việt Nam". Nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn từng nhận xét nhiệm vụ của Phạm Ngọc Thảo nguy hiểm hơn ông rất nhiều.
Theo nhà văn, học giả Trần Bạch Đằng - nguyên bí thư Thành ủy Sài Gòn Gia Định, tác giả tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm, ông Phạm Ngọc Thảo làm tình báo bằng cách đi thẳng vào hàng ngũ kẻ thù, ''hoạt động tung hoành'' đến tận lúc qua đời. Năm 1965, ông bị truy nã nhưng không rời đi, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Khi bị địch bắt, dù chịu những trận tra tấn, ông quyết giữ kín thân phận, hy sinh lúc 43 tuổi.
Tiểu thuyết được chuyển thể thành phim Ván bài lật ngửa do Lê Hoàng Hoa đạo diễn, sản xuất trong giai đoạn 1982-1987. Trong tác phẩm, hình mẫu đại tá Phạm Ngọc Thảo được Chánh Tín thể hiện, là vai để đời của cố diễn viên.
Không chỉ có lòng yêu nước, xả thân vì việc lớn, đại tá Phạm Ngọc Thảo còn giữ thái độ hòa hợp dành cho cộng sự, nhân ái với cấp dưới. Xuất hiện trong phim tài liệu, ông Lê Việt, năm nay gần 90 tuổi, nhớ mãi những lời căn dặn của nhà tình báo. Năm 1952, khi mới 15 tuổi, ông được đại tá chọn làm liên lạc viên, đi lấy tin từ Rạch Giá về Bến Nhất. Thời điểm ông Phạm Ngọc Thảo làm tỉnh trưởng Kiến Hòa, bị nhiều người ghét, ông Việt vẫn giữ góc nhìn tốt về đại tá. ''Sau này xem tác phẩm Ván bài lật ngửa, tôi biết mình nhận định đúng'', ông nói.
Nhà báo Lê Thanh Bình - đạo diễn dự án - cho biết bản thân và êkíp mất nhiều thời gian tìm nguồn dữ liệu chính thống, những người từng tiếp xúc, làm việc với nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo, thân nhân của ông. Theo chị, một trong số khó khăn là các nhân chứng đều rất lớn tuổi, song êkíp nỗ lực tiếp cận để có thêm thông tin về đại tá. Nhiều tư liệu của Trung tâm Lưu trữ II được sử dụng trong phim tài liệu, làm rõ hơn các cuộc đảo chính những năm 1960-1965.
Phương Linh