Khắc Hưng, 29 tuổi, hoàn thành chương trình tiến sĩ ngành Hóa sinh tại Đại học Kyushu Nhật Bản, cách đây một năm. Nhớ lại hành trình từ khi còn là cậu học sinh 18 tuổi tới một kỹ sư Công nghệ sinh học, Hưng gói gọn trong hai chữ "kiên trì".
"Mình là học sinh bình thường của trường chuyên Hà Nội - Amsterdam. Sự chăm chỉ và niềm yêu thích Hóa học đã đưa mình đến với Nhật Bản và lấy được tấm bằng tiến sĩ", Khắc Hưng chia sẻ.
Hưng bắt đầu tò mò về những nguyên tố và phản ứng Hóa học từ ngày vào lớp 10. Trong khi là "con nhà nòi" ngành xây dựng, nam sinh lại muốn trở thành một nhà nghiên cứu về Hóa sinh.
Đam mê đưa Hưng đến với đội tuyển học sinh giỏi Hóa của trường. Hai năm cuối cấp, Hưng liên tiếp giành giải ba và giải nhì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
"Đó là thành quả lớn đầu tiên và là cách mình chứng minh con đường mình đang đi với gia đình", Hưng kể.
Kết quả học tập tốt, Hưng tự tin với quyết định du học. Cuối năm lớp 12, Hưng nhận tin đỗ ngành Hóa sinh của Đại học Kyushu (Nhật Bản) và Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore). Chàng trai chọn Kyushu - một trong bảy trường công lập lớn nhất Nhật Bản vì biết nhiều anh chị khóa trên đang học ở đây. Kyushu cũng được đánh giá rất mạnh về ngành Hóa sinh mà Hưng muốn theo đuổi.
Trước đó, nam sinh làm hồ sơ ứng tuyển học bổng Chính phủ Nhật Bản (MEXT). Tuy nhiên, khi sang nhập học, Hưng mới biết tin giành học bổng, được miễn toàn bộ học phí, ăn ở, đi lại. Đây là học bổng giá trị nhất với du học sinh ở xứ sở hoa anh đào. Mỗi năm, MEXT sẽ rà soát kết quả học tập của ứng viên để xem xét cấp học bổng cho các năm tiếp theo.
"Vì thế, mình nghĩ phải cố gắng và trách nhiệm hơn với việc học tại Kyushu", Hưng chia sẻ. Sau bốn năm, chàng trai Việt hoàn thành chương trình với điểm trung bình (GPA) đạt tuyệt đối - 4/4.
Thấy học bổng MEXT có hỗ trợ tốt, Hưng tiếp tục ứng tuyển để theo đuổi bậc thạc sĩ và tiến sĩ, trong 5 năm. Đây cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất vì Covid-19 ập đến. Nhật đóng cửa trường học, toàn bộ hoạt động chuyển sang hình thức trực tuyến.
"Mình cảm thấy áp lực, tưởng như không thể vượt qua bởi chưa hoàn thành các thí nghiệm", Hưng nhớ lại. "May mắn là trường và các giáo sư cho thêm thời gian, thay đổi kế hoạch làm luận văn trong tình hình dịch bệnh".
Hưng sau đó có 4 bài báo khoa học trên các tạp chí công nghệ sinh học uy tín. Theo quy định của Đại học Kyushu, nghiên cứu sinh tiến sĩ chỉ cần có hai bài báo khoa học là được tốt nghiệp. Chàng trai Việt tâm đắc nhất với bài báo về "Sử dụng, ứng dụng vi khuẩn và màng tế bào vi khuẩn để tổng hợp các hợp chất hữu cơ từ CO2 và nước".
TS Yoon Ki-Seok, người trực tiếp hướng dẫn Hưng, nói học trò luôn đi đầu trong việc xây dựng kế hoạch nghiên cứu và được các sinh viên, đồng nghiệp yêu quý.
"Em ấy có khả năng thích ứng cao trong nghiên cứu, thích ứng với công nghệ mới", thầy Yoon viết trong thư giới thiệu Hưng.
Đầu năm ngoái, Nguyễn Khắc Hưng khép lại chặng đường học tập và nghiên cứu tại Nhật Bản với tấm bằng tiến sĩ. Hưng chọn làm việc ở một công ty của Nhật, liên quan nghiên cứu, sản xuất thiết bị y tế. Anh cho hay công ty cho phép về Việt Nam làm việc trong tương lai.
"Được trở về nhà, ăn cơm mẹ nấu và cống hiến cho Việt Nam là em nghĩ cuộc đời mình trọn vẹn", Khắc Hưng nói.
Nhìn lại hành trình du học, Hưng thấy bản thân trưởng thành nhanh chóng. Trước đây, anh là người thụ động, chỉ biết làm theo lời bố mẹ. Nhưng từ ngày sang Nhật, Hưng phải chủ động lo liệu mọi việc... Anh nhìn nhận điều may mắn là chính sách học bổng và sự hỗ trợ của gia đình, giúp bản thân có điều kiện dồn toàn lực vào học tập.
Ngoài đam mê Hóa học, chàng trai Hà Nội cũng hào hứng với các cuộc thi hùng biện. Dự án phát triển cộng đồng tranh biện của Hưng đã kéo dài nhiều năm. Hưng dự kiến hỗ trợ "đàn em" ở trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nâng cao kỹ năng này, cũng như ứng tuyển các học bổng du học.
Thành Dương