Cán bộ Ninh Thuận ra Khánh Hòa công tác sẽ `có nhà ở, xe đưa đón hàng tuần`

Trước nhu cầu chỗ ở và đi lại của hàng nghìn cán bộ sau sáp nhập với tỉnh Ninh Thuận, UBND Khánh Hòa chỉ đạo rà soát nhà công vụ, xây nhà ở xã hội và nghiên cứu mở tuyến xe buýt liên tỉnh.


Ngày 15/5, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân yêu cầu các sở, ngành địa phương khẩn trương hoàn thiện phương án bố trí nơi ở và phương tiện đi lại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau sáp nhập với tỉnh Ninh Thuận.


Theo Sở Tài chính tỉnh, tổng số cán bộ, công chức, viên chức dự kiến làm việc tại địa bàn Khánh Hòa sau khi sáp nhập là gần 4.000 người. Trong đó, khối cơ quan Đảng có 412 người (gồm 241 từ Khánh Hòa và 171 từ Ninh Thuận); khối chính quyền và các đơn vị sự nghiệp có 3.150 người; khối Mặt trận và các tổ chức đoàn thể có 308 người.


Một góc TP Nha Trang trên cao, trung tâm của tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Xuân Ngọc

UBND tỉnh chỉ đạo ưu tiên tận dụng tối đa hệ thống trụ sở hiện hữu tại TP Nha Trang để bố trí nơi làm việc cho các cơ quan sau sáp nhập, tránh đầu tư dàn trải.


Về nhu cầu nhà ở, có 2.169 cán bộ, công chức, viên chức cần chỗ ở khi chuyển công tác đến Khánh Hòa. Trong đó, 96 người thuộc diện được bố trí nhà ở công vụ sẽ sử dụng các cơ sở sẵn có như Nhà khách Tỉnh ủy, Nhà khách T78 và một số quỹ nhà khác.


Đối với hơn 2.000 người còn lại, Sở Tài chính đang tham mưu chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà căn cứ vào khả năng ngân sách của hai tỉnh và hướng dẫn từ Trung ương. Đồng thời, tỉnh cũng giao các sở, ngành liên quan làm việc với doanh nghiệp và nhà đầu tư để triển khai dự án nhà ở xã hội, trong đó ưu tiên bố trí cho cán bộ từ Ninh Thuận ra công tác tại TP Nha Trang.


Mở tuyến xe buýt liên tỉnh, hỗ trợ chi phí đi lại


Đối với nhu cầu di chuyển giữa hai địa phương, thống kê cho thấy có 2.169 người cần phương tiện đi lại thường xuyên. Trong số này, 11 người sử dụng xe công vụ do cơ quan tự bố trí; 1.699 người di chuyển bằng phương tiện cá nhân, sẽ được hỗ trợ chi phí xăng xe. Đáng chú ý, có 459 người có nhu cầu sử dụng xe buýt hoặc xe buýt điện theo tuyến cố định.


UBND tỉnh đã giao các đơn vị chuyên môn nghiên cứu mở tuyến xe buýt Nha Trang – Phan Rang và ngược lại, đồng thời xây dựng phương án thuê xe đưa đón cán bộ hàng tuần (đi vào thứ Hai, về vào thứ Sáu) để đảm bảo điều kiện sinh hoạt và công tác ổn định.


Đường ven biển nối Ninh Thuận - Khánh Hòa. Ảnh: Xuân Ngọc

Song song đó, Sở Tài chính đang phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm kê tài sản công, tham mưu phương án phân bổ sử dụng hợp lý sau sáp nhập. Các chính sách hỗ trợ nhà ở và phương tiện cho cán bộ không thuộc diện bố trí nhà công vụ sẽ do chính quyền đơn vị hành chính mới quyết định sau khi chính thức thành lập.


Phan Rang-Tháp Chàm trước cuộc tái cấu trúc, nhập vào Khánh Hòa Các quảng trường, công viên và tuyến đường mang tên 16-4 ở Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) rực rỡ ánh đèn màu khi trời dần tối, gợi tò mò về một thành phố có cư dân và lưu lượng xe cộ thưa thớt hơn nhiều so với những đô thị lớn khác.
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa: Giao KPI, lượng hoá công việc tới từng xã Bí thư Trung ương Đảng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, việc sắp xếp cán bộ sau sáp nhập tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận phải đặt nguyên tắc hài hòa lên hàng đầu, tránh chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.