Luật quy định sàn thương mại điện tử không được bán thuốc kê đơn, trừ trường hợp cách ly y tế khi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; thuốc phải kiểm soát đặc biệt và thuốc thuộc Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ.
Cơ sở kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử phải bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử, website có chức năng đặt hàng trực tuyến.
Các đơn vị phải tuân thủ pháp luật về quảng cáo và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo mật thông tin của người mua; đăng tải chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, Chứng chỉ hành nghề dược, thông tin về thuốc đã được phê duyệt.
Ngoài ra, cơ sở bán lẻ thuốc phải tư vấn, hướng dẫn trực tuyến về cách sử dụng cho người mua thuốc và giao thuốc đến người mua theo hướng dẫn chi tiết của Bộ trưởng Y tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng trách nhiệm của sàn giao dịch thương mại điện tử đã được quy định tại pháp luật về thương mại điện tử và giao dịch điện tử. Cơ sở có thuốc bán trên sàn phải chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc, tương tự như hình thức mua bán truyền thống.
Siết quy định quản lý giá thuốc
Luật vừa thông qua bổ sung nhiều chế định quản lý giá thuốc. Theo đó Bộ Y tế có quyền kiến nghị với doanh nghiệp về mức giá thuốc lưu hành trên thị trường khi phát hiện cao hơn mức cao nhất của loại tương tự đã công bố, hoặc giá bán tại nước xuất xứ. Ngoài ra, Bộ có thể can thiệp mức chênh lệch của giá bán buôn thuốc dự kiến so với giá trúng thầu cao hơn mức chênh lệch tối đa do Chính phủ quy định.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc kiểm soát giá thuốc không kê đơn được thực hiện theo phương pháp niêm yết giá với mọi loại thuốc; kê khai giá, bình ổn giá với các thuốc thuộc Danh mục thuốc thiết yếu.
Công bố giá bán buôn thuốc dự kiến là biện pháp đặc thù trong quản lý giá thuốc, áp dụng đối với thuốc kê đơn do nhóm thuốc này chiếm đến hơn 82% số lượng thuốc lưu hành trên thị trường. Đây là thuốc chiếm tỷ lệ sử dụng chủ yếu tại các cơ sở y tế và người bệnh không tự ý mua để sử dụng mà phải theo chỉ định của thầy thuốc. Biện pháp này giúp hạn chế tăng giá qua mỗi tầng, nấc trung gian và đội giá lên cao khi đến tay người tiêu dùng.
Hỗ trợ dược nội địa phát triển
Luật bổ sung nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược. Dự án có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn ba năm được áp dụng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo Luật Đầu tư.
Nhóm được hưởng hỗ trợ gồm phát triển công nghệ, sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ để sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc hiếm, thuốc generic đầu tiên sản xuất trong nước, thuốc công nghệ cao, vaccine, sinh phẩm.
Nuôi trồng dược liệu tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, nghiên cứu để bảo tồn, phát triển nguồn gene dược liệu quý, hiếm, đặc hữu trong nước; tạo giống mới từ nguồn gen dược liệu có giá trị kinh tế cao cũng là nhóm được hỗ trợ.
Nhà đầu tư trong lĩnh vực này được ưu tiên bố trí quỹ đất cho xây dựng nhà máy, khu công nghiệp dược, dự án phát triển nguồn dược liệu, vùng nuôi trồng dược liệu theo quy định của pháp luật về đất đai.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Sơn Hà