ThS.BS Phạm Hữu Thái, khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quận 8, TP HCM cho biết virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết có 4 type huyết thanh virus gây bệnh Den-1, Den-2, Den-3, Den-4. Một người có thể mắc bệnh đến 4 lần nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Ở lần tái nhiễm, bệnh có thể trở nặng do kháng thể cũ liên kết với type virus Dengue mới khiến cơ thể không đủ khả năng trung hòa và tiêu diệt virus. Ngược lại, chúng tạo điều kiện để virus xâm nhập vào các tế bào miễn dịch dễ dàng hơn, làm tăng mức độ phản ứng viêm. Người bệnh có nguy cơ gặp biến chứng như sốc, xuất huyết nặng hay suy đa cơ quan, thậm chí tử vong.
Mỗi người cần chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp để phòng ngừa sốt xuất huyết hoặc tái nhiễm căn bệnh này, có thể áp dụng các cách dưới đây:
Diệt muỗi và bọ gậy (lăng quăng): Đây là bước đầu tiên giúp ngăn ngừa sốt xuất huyết. Người dân nên đậy kín dụng cụ chứa nước, thả cá vào bể nước lớn để tiêu diệt lăng quăng, dọn vệ sinh, loại bỏ nước đọng trong chai lọ, vỏ xe hay chậu cây.
Ngủ màn, mặc áo dài tay: Virus Dengue lây từ người sang người qua muỗi đốt. Để phòng ngừa, người dân, đặc biệt người từng mắc sốt xuất huyết nên mặc quần áo dài tay, ngủ màn cả ngày lẫn đêm, dùng kem chống muỗi hoặc bình xịt chứa Picaridin.
Duy trì chế độ ăn khoa học: Sức đề kháng tốt giúp giảm triệu chứng nặng, hỗ trợ phục hồi nhanh hơn, nhất là với người có tiền sử mắc bệnh. Mỗi người nên uống nhiều nước, bổ sung vitamin C từ cam, bưởi, nước dừa, áp dụng chế độ dinh dưỡng đa dạng, đầy đủ các loại thực phẩm để cân bằng chất dinh dưỡng và nghỉ ngơi đầy đủ, góp phần tăng cường sức đề kháng.
Tiêm vaccine: Đây là "vũ khí mới" trong phòng chống sốt xuất huyết, với hiệu quả phòng bệnh hơn 80% và giảm hơn 90% nguy cơ nhập viện. Người đã mắc sốt xuất huyết vẫn cần tiêm ngừa để phòng các type huyết thanh virus còn lại. Lịch tiêm gồm 2 mũi, cách nhau 3 tháng, áp dụng cho người từ 4 tuổi trở lên.
Sốt xuất huyết tái nhiễm nguy hiểm hơn do cơ chế miễn dịch phức tạp. Giai đoạn ngày thứ 3-7 của bệnh là thời điểm nguy cơ sốc cao nhất. Nếu xuất hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, hay đau bụng dữ dội, người bệnh cần nhanh chóng nhập viện để tránh biến chứng nguy hiểm.
Bệnh sốt xuất huyết là một trong 10 mối đe dọa sức khỏe toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca mắc tăng gấp 10 lần trong hai thập kỷ qua, từ 500.000 ca năm 2000 lên 5,2 triệu ca năm 2019. Tại Việt Nam, hiện chưa vào mùa sốt xuất huyết nhưng một số tỉnh thành vẫn ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mỗi tuần. Ví dụ TP HCM tích lũy đến cuối tháng 3/2025 có hơn 5.000 ca mắc khiến Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM cảnh báo nguy cơ bệnh bùng phát sớm.
Phương Phạm