Bối rối chọn ngành cho con du học

Từng hướng con trai theo chuyên Anh từ lớp 7 để du học, chị Quỳnh Vân như bừng tỉnh khi con khóc, nói "không muốn thi chuyên ngữ".


Câu chuyện được chị Quỳnh Vân ở Hà Nội chia sẻ tại hội thảo "Tiêu chí ngầm đại học top Mỹ tìm kiếm", chiều 13/4.


Chị cho biết mình có thế mạnh ngoại ngữ, con gái lớn cũng từng học chuyên Anh của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Ams). Vì vậy, chị cũng muốn con trai út theo con đường này để tiện có mẹ và chị gái hỗ trợ.


Ngoài ra, chị Vân định hướng con du học, nên nghĩ sớm xác định được hướng đi sẽ giúp hồ sơ dày dặn. Chị bắt đầu cho con ôn luyện tiếng Anh từ năm lớp 7 để thi chuyên Anh, sau này theo nhóm ngành xã hội, ngôn ngữ.


"Nhưng con chỉ cố được một năm, rồi con khóc và nói không muốn thi chuyên ngữ", chị kể. "Tôi như bừng tỉnh, nhận ra mình không thể tiếp tục ép buộc con".


Trong lúc hoang mang, chị thấy con nói thích Vật lý, nên tìm thầy cho học. Con trai chị sau đó đỗ vào lớp chuyên Lý của trường Ams.


Tới đây, vợ chồng chị lại băn khoăn, nên cho con theo ngành Khoa học máy tính đang là xu hướng, hay chọn ngành Kỹ thuật điện vốn liên quan tới Vật lý hơn.


"Một trận chiến nữa diễn ra, căng thẳng hơn hồi cấp hai", chị nói. "Tôi gần như đi tìm mọi nguồn để xem cái nào phù hợp với con".


Không tới mức gay gắt, song chị Minh Hà, mẹ của một nam sinh 18 tuổi, cũng bối rối và mất nhiều thời gian khi cùng con chọn ngành để du học khoảng ba năm trước. Chị nghĩ tới Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo vì thấy con học Toán ổn và trí nhớ tốt.


"Tuy nhiên, khi cho con tiếp xúc với các chuyên gia tư vấn du học, tôi thấy hình như mình chưa hiểu rõ con", chị Hà kể.


Để chọn đúng ngành ở tuổi 16-17 là rất khó, theo bà Trần Phương Hoa, Giám đốc Tổ chức giáo dục Summit. Lý do là học sinh ở độ tuổi này chưa có nhiều trải nghiệm, khó hình dung về công việc cụ thể trong tương lai.


Khảo sát năm 2023 của Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế (TP HCM) cho thấy khoảng 15-20% sinh viên ra trường mới nhận ra chọn sai nghề.


Riêng những em định hướng du học, bà Hoa với kinh nghiệm 20 năm tư vấn nhìn nhận việc tìm được ngành phù hợp còn thách thức hơn nữa. Bởi thông thường, các em cần phải chọn ngành từ sớm, chủ yếu từ lớp 9-10 để kịp xây dựng hồ sơ với các chứng chỉ, hoạt động ngoại khóa phù hợp.


"Phụ huynh có thể đi từ môn học yêu thích của con, từ đó cho con tham gia các dự án, hoạt động liên quan; hoặc sử dụng phương pháp loại trừ", bà Hoa gợi ý.


Ví dụ, nhiều học sinh không học được Toán thì bố mẹ và thầy cô cũng không nên định hướng các em theo các ngành về STEM (Khoa học, công nghệ, kỹ thuật, Toán học) hoặc một số ngành của Tài chính, Khoa học dữ liệu đòi hỏi tính toán quá nhiều.


Theo bà Hoa, phụ huynh có thể bắt đầu từ việc chọn lĩnh vực khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội trước, "nếu đổi thì vẫn trong nhóm". Nếu phân vân giữa hai ngành, bà Hoa cho rằng học sinh nên chọn các hoạt động liên quan sao cho dù chọn ngành nào, hồ sơ cũng không bị mâu thuẫn.


"Chẳng hạn một bạn thích cả STEM và Kinh tế thì nên làm một số hoạt động liên quan tới Toán, phân tích, hoặc ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề trong kinh tế, kinh doanh", bà Hoa gợi ý.


Sau khi thử tất cả những phương án có thể, nếu phụ huynh và học sinh vẫn chưa ưng ý, bà Hoa khuyên "cứ học thử". Bởi chương trình đại học ở Mỹ cho sinh viên được trải nghiệm nhiều ngành, có thể thay đổi nếu không phù hợp.


Nguyễn Phạm Diệu Nhi, học sinh chuyên Anh, trường THPT chuyên Đại học Sư phạm, cũng từng phân vân giữa học Kinh tế hay Tâm lý học, trước khi trúng tuyển Đại học Grinnell (top 19 khai phóng của Mỹ) với học bổng khoảng 5,5 tỷ đồng trong bốn năm.


Để chọn được ngành phù hợp, Nhi đã tham gia các hoạt động liên quan cả hai lĩnh vực, rồi nhận ra muốn theo đuổi các giải pháp về kinh tế, đổi mới sáng tạo, thay vì nghiên cứu hàn lâm theo hướng Tâm lý học.


"Cần trải nghiệm thì mới hiểu mình thích ngành nào hơn", Nhi đúc rút.


Chị Quỳnh Vân cho biết sau thời gian dài cho con trải nghiệm nhiều thứ, cuối cùng con chị đăng ký vào câu lạc bộ robotics và thấy "rất phù hợp". Con chị có thể làm robot ngày đêm mà không chán và rất nhanh chóng xác định đây là ngành sẽ theo đuổi ở bậc đại học.


Khi tìm ra hướng đi, con chị tham gia nhiều cuộc thi về robotics, thường đảm nhận phần lập trình và lắp ráp. Nam sinh cuối tháng trước nhận tin trúng tuyển Đại học Columbia (top 13 ở Mỹ), ngành Kỹ thuật cơ khí.


"Tôi rút ra bài học rằng để chọn ngành, các bố mẹ nên lắng nghe con nhiều hơn. Hãy để 80% là các con lựa chọn, còn bố mẹ chỉ hỗ trợ trong 20% còn lại", chị nói.


Thanh Hằng









Boi roi chon nganh cho con du hoc


Tung huong con trai theo chuyen Anh tu lop 7 de du hoc, chi Quynh Van nhu bung tinh khi con khoc, noi "khong muon thi chuyen ngu".

Bối rối chọn ngành cho con du học

Từng hướng con trai theo chuyên Anh từ lớp 7 để du học, chị Quỳnh Vân như bừng tỉnh khi con khóc, nói "không muốn thi chuyên ngữ".
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá