Bộ trưởng GD-ĐT phản hồi về ý kiến 1 bộ sách giáo khoa dùng chung cả nước

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trả lời kiến nghị của cử tri về đề nghị có một bộ sách giáo khoa chung áp dụng cho học sinh trên cả nước.


Trong kiến nghị gửi đến trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15, cử tri tỉnh Hưng Yên phản ánh: Sau khi các tỉnh được sáp nhập sẽ có một bộ phận lớn học sinh các cấp di chuyển chỗ ở, xin chuyển trường đến nơi ở mới theo bố mẹ.


Tuy nhiên, nếu không chuyển trường vào đầu năm học mà chuyển vào các thời điểm khác nhau trong năm sẽ gây khó khăn vì theo quy định của Bộ GD-ĐT, việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông thì mỗi cơ sở sẽ được chọn một bộ sách giáo khoa để giảng dạy trong năm học đó. Như vậy, sẽ gây khó khăn, bất cập cho việc chuyển trường học của học sinh.


Vì vậy, cử tri đề nghị Bộ GD-ĐT có bộ sách giáo khoa chung áp dụng cho học sinh trên cả nước cho phù hợp với điều kiện thực tế - xã hội hiện nay.


Về nội dung này, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay Nghị quyết 88 của Quốc hội đã nêu rõ chương trình giáo dục phổ thông quy định những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học; những lĩnh vực và nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc.


Luật Giáo dục năm 2019 cũng quy định: “Chương trình giáo dục phổ thông phải bảo đảm các quy định yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trong cả nước. Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục và thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”.


Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Thế Đại.

Bộ trưởng cho hay, từ năm học 2020 - 2021, Bộ GD-ĐT đã triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới theo quy định của Luật Giáo dục 2019 và các nhà trường đã tổ chức thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả.


“Bộ Chính trị đã có Kết luận số 91/2024 tiếp tục thực hiện nghị quyết 29/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.


Trong đó nêu rõ nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới; thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa và xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa”, Bộ GD-ĐT nêu.


Các sách giáo khoa chỉ khác nhau ở ngữ liệu, cách thức thể hiện


Bộ trưởng GD-ĐT cũng cho hay, Bộ đã ban hành Thông tư 25/2020 và Thông tư 27/2023 quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông để các tỉnh, thành phố hoặc trường phổ thông lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong nhà trường.


Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 đã quy định chi tiết nội dung, yêu cầu cần đạt đối với từng nội dung giáo dục.


Bộ trưởng cho hay, sách giáo khoa khác nhau chỉ khác ở ngữ liệu, cách thức thể hiện và phương pháp dạy học đối với từng nội dung nhưng phải đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.


Do đó, khi học sinh dùng sách giáo khoa khác nhau cũng không bị ảnh hưởng về nội dung kiến thức và yêu cầu cần đạt.


Sách giáo khoa được biên soạn để sử dụng lâu dài, nhiều lần (hạn chế học sinh viết, vẽ, làm bài tập trực tiếp vào sách giáo khoa).


“Như vậy việc dạy và học tại các cơ sở giáo dục phổ thông khác nhau đều được thực hiện theo yêu cầu cần đạt của môn học và thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Sách giáo khoa là học liệu để tổ chức dạy và học, nguồn học liệu phong phú, đa dạng sẽ hỗ trợ tốt cho quá trình giảng dạy và học tập”, Bộ trưởng GD-ĐT khẳng định.


Bộ GD-ĐT cũng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi. Đồng thời rà soát, đánh giá thực trạng và chất lượng tổ chức thực hiện tại các địa phương, nhà trường, lắng nghe ý kiến phản biện, góp ý của cử tri để tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong thời gian tới.


Nam sinh lớp 11 Hà Nội giành Huy chương Vàng Olympic Sinh học quốc tế năm 2025 Nam sinh lớp 11 Nguyễn Lương Thái Duy (Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) vừa giành được Huy chương Vàng ở kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2025.
Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình chính thức nghỉ hưu sau gần 40 năm gắn bó nghề giáo Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình chính thức nghỉ hưu sau gần 40 năm gắn bó với nghề. Chia sẻ với PV VietNamNet, ông nói nghỉ hưu chỉ là 1 quyết định hành chính, có thể sau đó ông còn "sôi động” hơn.