Dự báo tăng trưởng nửa cuối năm `rất triển vọng`

Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Ngân hàng TP HCM dự báo GDP nửa cuối năm "rất triển vọng", khả năng trên 8%.


Đây là nội dung trong nghiên cứu "Phân tích kinh tế vĩ mô Việt Nam" do Trường Đại học Ngân hàng TP HCM (HUB) vừa công bố. Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS.TS. Lê Hoàng Anh, cho biết dự báo được dựa trên các tính toán số học, mô hình kinh tế lượng, học máy, cùng với các cơ sở vĩ mô và vi mô.


Theo Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng quý II đạt 7,96%. PGS.TS. Lê Hoàng Anh cho rằng với xu hướng tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, GDP quý III và IV triển vọng vượt 8%. "Tính chung, mục tiêu tăng trưởng 8% của Việt Nam trong năm 2025 là khả thi", ông nhận định.


Nhóm nghiên cứu đánh giá kinh tế nửa cuối năm vẫn đối mặt tình trạng bất ổn và những diễn biến tâm lý không thuận lợi. Tuy nhiên, Việt Nam có những "đòn bẩy chiến lược" là "bộ tứ" chính sách, gồm Nghị quyết 57, 59, 66 và 68.


Động lực tăng trưởng nửa cuối năm đến từ đầu tư, tiêu dùng và tác động của chính sách tiền tệ và tài khóa toàn cầu. Trong đó, đầu tư công tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt. Giải ngân 65% vốn còn lại sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa cho sản xuất và dịch vụ.


Bên cạnh đó, FDI vẫn duy trì nhờ lợi thế địa chính trị, cải cách chính sách và các FTA. Đặc biệt, nhóm chuyên gia HUB dự đoán đầu tư tư nhân "sẽ tăng mạnh, đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng".


Điều này nhờ niềm tin môi trường kinh doanh cải thiện, các chính sách hỗ trợ về thuế và tín dụng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư vào các ngành trọng điểm. Xu hướng chuyển dịch đầu tư vào công nghệ cao, số hóa và năng lượng tái tạo cũng góp phần kích thích vốn tư nhân chảy mạnh hơn vào nền kinh tế.


Ngoài ra, áp lực lạm phát được đánh giá không quá quan ngại, khả năng đạt được mục tiêu cả năm "rất lạc quan". Tăng trưởng tín dụng dự báo về đích 16%.


Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức trong hai quý cuối. HUB chỉ ra rằng, bất ổn địa chính trị và chính sách toàn cầu có thể tác động tâm lý đầu tư và tiêu dùng, khiến việc dự báo khó khăn hơn. Ngoài ra, áp lực thuế quan khiến xuất khẩu sang các thị trường lớn khó duy trì tăng trưởng cao.


Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, cũng nhận định xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng rất tốt trong 6 tháng đầu do xu hướng tranh thủ mua hàng khi thuế đối ứng của Mỹ chưa hiệu lực.


Do đó, nhu cầu thị trường Mỹ nửa cuối năm dự báo không mạnh. Các thị trường khác như Trung Quốc, ASEAN cũng khó đột phá vì cạnh tranh cao. Ông Thành tính toán để đạt mục tiêu tăng trưởng 8,3-8,5%, xuất khẩu cả năm phải tăng 17%, là con số khá thách thức khi diễn biến thuế quan còn khó lường.


Với sản xuất, ông Thành lưu ý hầu hết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) các tháng qua đều dưới 50, cho thấy doanh nghiệp vẫn thu hẹp. Sản lượng điện tiêu thụ cùng giai đoạn chỉ tăng khoảng 4%, là chỉ dấu sức khỏe nền kinh tế chưa mạnh. TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch hội đồng thành viên công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận cũng cho biết xuất khẩu hiện chủ yếu dựa vào các đơn hàng cũ, trong khi đơn hàng mới cho các mặt hàng lợi thế giảm.


Với thách thức nội tại, tiêu dùng cũng chưa cải thiện nhiều, do xu hướng người dân tiết kiệm cao, làm giảm sức mua, theo TS Trần Anh Tuấn. Nguyên là trưởng ban đổi mới doanh nghiệp TP HCM, ông Tuấn chỉ ra tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ chưa đến 10% (6 tháng đầu tăng 9,3%). "Từ sau dịch, tiêu dùng có cải thiện nhưng còn thấp. Tiêu dùng tăng trưởng 10-12% như trước Covid mới đảm bảo được tăng trưởng ổn định", ông nói.


Ngoài ra, Nghị quyết 68 đã được ban hành nhưng số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm gần như ngang bằng với số rút lui, cho thấy việc thu hút nguồn lực xã hội và khuyến khích kinh tế tư nhân chưa cao. Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cũng chỉ ra đầu tư tư nhân vẫn tăng thấp hơn các động lực khác như vốn công hay FDI trong nửa đầu năm.


Để đạt mục tiêu tăng trưởng 2025 và tạo động lực tăng bền vững cho những năm sau, nhóm nghiên cứu HUB khuyến nghị tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh bằng cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tài chính - kỹ thuật và thúc đẩy đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.


TS Trần Anh Tuấn cho rằng cần hành động cụ thể hơn để đưa "bộ tứ" nghị quyết vào thực tiễn. Ông kỳ vọng dịch vụ công, giải quyết các thủ tục hành chính sau sáp nhập tỉnh thành và thực hiện chính quyền hai cấp sớm ổn định và trơn tru.


Tương tự, TS Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội nói vẫn còn tình trạng lúng túng thực hiện thủ tục của cán bộ địa phương sau sắp xếp bộ máy hành chính. Ông cũng đề xuất rút gọn 50% thủ tục hành chính, cao hơn mức 30% mà Chính phủ cam kết.


Để kích thích tiêu dùng, ông Quốc Anh cho rằng cần đẩy mạnh lại phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", xây dựng các cụm liên kết tư nhân để hỗ trợ lẫn nhau về tài chính, sản phẩm và phát triển các ngành chủ lực.


Trong xuất khẩu, GS.TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo
Đại học Kinh tế Quốc dân khuyến nghị đa dạng hóa, do việc tập trung vào số ít thị trường chính tiềm ẩn rủi ro khi có những thay đổi chính sách từ đối tác. Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành gợi ý EU, Hàn Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường có nhiều triển vọng để tăng cường giao thương nửa cuối năm.


Với chính sách tiền tệ, HUB đánh giá mặt bằng lãi suất hiện còn khá thấp, dư địa điều hành cho công cụ lãi suất không còn nhiều. Bên cạnh đó, rủi ro từ bên ngoài tác động và lan tỏa đến tỷ giá, thị trường ngoại hối khá khó lường.


"Vì vậy, trong 6 tháng cuối năm, bình ổn tỷ giá là một trong những vấn đề cần quan tâm sát sao" nhóm chuyên gia khuyến nghị. Nửa đầu năm, VND mất giá 2% so với USD. Nếu so sánh với rổ các đồng tiền khác, VND và USD giảm lần lượt 14% và 11%, theo thông tin của chuyên gia Nguyễn Xuân Thành.


Viễn Thông









Du bao tang truong nua cuoi nam 'rat trien vong'


Nhom nghien cuu cua Truong Dai hoc Ngan hang TP HCM du bao GDP nua cuoi nam "rat trien vong", kha nang tren 8%.

Dự báo tăng trưởng nửa cuối năm 'rất triển vọng'

Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Ngân hàng TP HCM dự báo GDP nửa cuối năm "rất triển vọng", khả năng trên 8%.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá