Trả lời:
Ngực lõm (ngực hình phễu) là biến dạng thường gặp của lồng ngực, đặc trưng bởi tình trạng lõm vào trong của xương ức, tạo thành một hố lõm nhìn thấy ở giữa ngực. Mức độ nặng của lõm ngực được đánh giá tùy vào độ sâu của vết lõm.
Nguyên nhân lõm ngực do bẩm sinh, nghĩa là trẻ có thể được phát hiện bệnh từ khi mới chào đời. Lúc đầu ngực lõm nhẹ, phụ huynh có thể chưa để ý nên bỏ sót bệnh ở trẻ. Giai đoạn dậy thì, trẻ đã có nhận biết về cơ thể và phát hiện ra sự bất thường này. Với những trẻ lớn nhanh, ngực lõm đôi khi sẽ nặng, triệu chứng biểu hiện rõ ràng.
Đa số các trường hợp lõm ngực là đối xứng hai bên và lành tính, ít ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chức năng sống của trẻ. Trường hợp ngực lõm nặng hoặc lệch tâm làm tăng nguy cơ xảy ra các tình trạng hoặc biến chứng dưới đây.
Biến chứng ở tim: Vết lõm ở ngực quá sâu gây chèn ép lên tim, phổi, ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim, biểu hiện bằng triệu chứng tim đập nhanh, khó thở, đau tức ngực...
Biến chứng ở phổi: Khoang lồng ngực lõm nhỏ nên phổi bị hạn chế co giãn, ảnh hưởng đến quá trình hít vào và thở ra, tác động tiêu cực đến chức năng trao đổi khí của phổi.
Về ngoại hình: Người trưởng thành bị ngực lõm thường có dáng đứng hay khom người về phía trước, phần xương sườn và xương bả vai bè ra.
Về tâm lý: Lõm ngực ở người lớn hoặc trẻ vị thành niên ảnh hưởng đến tâm lý, có thể khiến bệnh nhân mất tự tin, thường tránh các hoạt động thể chất có thể lộ khiếm khuyết trên cơ thể như bơi lội, boxing...
Độ tuổi tốt nhất để phẫu thuật lõm ngực là trên 6 tuổi và dưới 19 tuổi. Xương trẻ ở tuổi này còn mềm, đang phát triển nên hình dáng lồng ngực được điều chỉnh dễ dàng. Nhờ sự tiến bộ trong kỹ thuật, hiện tại không có giới hạn độ tuổi điều trị lõm ngực, đơn cử một vài báo cáo cho thấy người bệnh 70 tuổi cũng được phẫu thuật nâng ngực. Phương pháp thường được lựa chọn là Nuss - phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Bác sĩ rạch hai đường mổ nhỏ hai bên ngực để định vị, đưa thanh nâng ngực luồn bên dưới xương ức để qua phía ngực bên kia. Thanh nâng này có tác dụng nâng phần xương ức lên, hỗ trợ chỉnh hình chỗ lõm ngực. Sau 2-3 năm, bác sĩ sẽ mở ngực một lần nữa để lấy thanh nâng ra.
Con gái bạn 22 tuổi mới phát hiện lõm ngực, không có các triệu chứng đi kèm, không bị giảm khả năng gắng sức, chứng tỏ tình trạng chưa nghiêm trọng. Với bệnh nhân lõm ngực nhẹ, bác sĩ hướng dẫn bài tập giúp cải thiện tư thế và hình dáng ngực, chưa cần can thiệp ngoại khoa.
Bạn nên đưa con đi khám, đo chỉ số lõm ngực (Haller) để xem mức độ bệnh, từ đó bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Các phẫu thuật chỉnh hình liên quan đến xương đa phần sẽ đau, nhưng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bác sĩ áp dụng kỹ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) giúp giảm đau hiệu quả, ít biến chứng. Tốc độ hồi phục của bệnh nhân nhanh, có thể sớm trở lại sinh hoạt bình thường, giảm đáng kể biến chứng sau mổ.
BS.CKI Trần Quốc Hoài
Khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |