Trả lời:
Đánh trống ngực là thuật ngữ chỉ nhận thức của cơ thể về nhịp tim. Khi chuyển động tim trong lồng ngực bất thường, người bệnh thường có cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh, đập thình thịch hoặc bị bỏ nhịp. Một số người còn cảm thấy khó chịu, lo lắng.
Đánh trống ngực là triệu chứng khá phổ biến. Trong hầu hết các trường hợp, đây là biểu hiện lành tính, không đe dọa đến tính mạng và hiếm khi cần điều trị. Một số nguyên nhân thường gặp bao gồm:
Tập luyện với cường độ mạnh: Lúc này, cơ thể cần nhiều năng lượng hơn nên tim phải co bóp, bơm máu nhiều hơn. Hoặc lâu ngày bạn không vận động mạnh, khi bắt đầu tập luyện lại với các bài tập nặng có thể gây đánh trống ngực.
Lạm dụng chất kích thích: Caffeine có trong cà phê, chất nicotine trong khói thuốc lá là các tác nhân làm tăng nhịp tim, đánh trống ngực.
Thay đổi hormone: Phụ nữ đang mang thai, trong thời kỳ kinh nguyệt, tiền mãn kinh hoặc mãn kinh dễ bị thay đổi hormone.
Sốt: Cơ thể cần sử dụng năng lượng nhiều hơn nên tim đập nhanh, dễ bị đánh trống ngực.
Sử dụng một số loại thuốc: Thuốc có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn.
Biểu hiện của một số bệnh lý khác: Bệnh về tuyến giáp (cường giáp, suy giáp), u tủy thượng thận, hạ đường huyết...
Các rối loạn chuyển hóa: Thiếu máu, hạ oxy máu, rối loạn điện giải, giảm thể tích tuần hoàn...
Thường xuyên đánh trống ngực cũng cảnh báo vấn đề về tim mạch.
Rung nhĩ: Nhịp tim đập không đều, hỗn loạn ngay cả khi đang nghỉ ngơi.
Nhịp tim nhanh trên thất: Nhịp tim đập với tần số nhanh hơn bắt nguồn từ các bất thường ở tâm nhĩ.
Nhịp nhanh thất: Rối loạn nhịp tim nhanh do tín hiệu bất thường ở tâm thất.
Ngoại tâm thu thất: Tình trạng này khiến người bệnh có cảm giác tim đập mạnh và loạn xạ trong lồng ngực do sự xuất hiện của những nhịp tim phụ.
Bệnh tim bẩm sinh: Bệnh cơ tim thất phải, hội chứng Brugada, hội chứng QT dài bẩm sinh.
Các bất thường ở van tim: Hẹp van, hở van, sa van tim.
Hạ huyết áp thế đứng: Người bệnh thường có cảm giác đánh trống ngực khi đứng dậy do nhịp nhanh xoang.
Nếu bạn hoàn toàn khỏe mạnh và tình trạng đánh trống ngực ít khi xuất hiện, triệu chứng chỉ thoáng qua thì không cần quá lo lắng. Khi đó, bạn chỉ cần nghỉ ngơi, ổn định lại tinh thần, hít thở sâu để cải thiện, cân bằng lại nhịp tim.
Bạn cần đến bệnh viện sớm nếu đánh trống ngực có đi kèm dấu hiệu như xuất hiện cơn đau tức, khó chịu ở vùng ngực, chóng mặt, hoa mắt, ngất, khó thở nghiêm trọng, cơn đau xuất hiện lan ra cánh tay, cổ, ngực, hàm hoặc lưng trên, đổ nhiều mồ hôi, người mệt lả; nhịp tim 100 nhịp một phút khi nghỉ ngơi. Bác sĩ khám và thực hiện các cận lâm sàng như điện tâm đồ, holter ECG, nghiệm pháp bàn nghiêng, dấu ấn tim, siêu âm tim, kiểm tra gắng sức... để chẩn đoán chính xác bệnh, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.
ThS.BS Phan Thị Mỹ Hạnh
Khoa Nội Tim mạch
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |