Bác sĩ Trương Hữu Khanh: `Không tiêm vaccine trẻ đối diện nhiều bệnh nguy hiểm`

Việc không tiêm vaccine khiến hệ miễn dịch không được tập dượt chống lại mầm bệnh, trẻ có thể phải chịu biến chứng, đối diện nguy cơ tử vong rất cao.


Quan điểm của bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm TP HCM được đưa ra trong bối cảnh cả nước ghi nhận hơn 42.000 ca mắc và nghi sởi, nhiều ca bệnh sởi nặng và tử vong do chưa được tiêm vaccine. Trong đó, một ca tử vong nghi ngờ do không tiêm vaccine. Bác sĩ Khanh chia sẻ về hiện tượng chống vaccine dưới đây:


- Vì sao có hiện tượng chống vaccine (anti-vaccine)?


- Anti-vaccine xuất hiện kể từ khi bác sĩ Edward Jenner giới thiệu vaccine đậu mùa đầu tiên trên thế giới năm 1796. Bất chấp lịch sử thành công của vaccine trên toàn thế giới, anti-vaccine vẫn kéo dài âm ỉ và lan rộng cùng với sự phát triển của mạng xã hội. Thông thường, người chống vaccine đưa ra những thông tin thiếu kiểm chứng, tạo ra tranh cãi xung quanh tính an toàn và hiệu quả của một số loại vaccine trong vài chục năm gần đây.


Có nhiều lý do khiến hiện tượng anti-vaccine còn tồn tại, trong đó lớn nhất là sự nghi ngờ về: tính an toàn, sự cần thiết của việc tiêm vaccine, sự tin tưởng vào các công ty dược phẩm và nhận thức về sự không chắc chắn trong khoa học.


Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chứng minh vaccine an toàn, không gây hại cho cơ thể hoặc để lại các di chứng, tật nguyền vĩnh viễn. Ví dụ tranh cãi về vấn đề vaccine có gây tự kỷ hay không. Nhóm chống vaccine vẫn trích dẫn một tài liệu khoa học từ năm 1971 đã cũ, có sự gian lận số liệu, liên quan lợi ích cá nhân và hiện đã bị gỡ bỏ. Năm 2004, 10 trong số 13 tác giả của nghiên cứu đã rút lại kết luận và công bố xin lỗi. Các thông tin không được đưa ra một cách đầy đủ đến cộng đồng dẫn tới hiểu sai lệch, tranh cãi, từ đó duy trì hoạt động của nhóm chống vaccine.


Đối với vấn đề này, bằng chứng khoa học mới hơn được công bố trên tạp chí y khoa Annals of Internal Medicine (Biên niên sử học Nội khoa) vào tháng 3/2019, kiểm tra hơn 657.000 trẻ em sinh ra ở Đan Mạch từ năm 1999 đến 2010, không tìm thấy mối liên hệ nào giữa vaccine MMR phòng sởi, quai bị, rubella và bệnh tự kỷ. Các chuyên gia tin rằng tự kỷ do sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường.


- Anti-vaccine có thể dẫn đến những hậu quả nào?


- Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá việc do dự tiêm vaccine là một trong mười mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu. Tình trạng này làm giảm tỷ lệ bao phủ vaccine, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch như sởi, ho gà, bạch hầu, bại liệt... dẫn đến tăng số ca bệnh, nhập viện và tử vong, gây quá tải cho hệ thống y tế. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng không tiêm được nhiều loại vaccine như thai phụ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người bị suy giảm miễn dịch, chống chỉ định với vaccine cũng bị ảnh hưởng và nguy cơ mắc bệnh, tử vong cao.


Ví dụ, tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng sởi thấp gần đây đã dẫn đến số ca sởi bùng phát ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Năm 2024, châu Âu ghi nhận hơn 127.000 ca sởi, cao nhất kể từ năm 1997. Trẻ em dưới 5 tuổi chiếm hơn 40% số ca mắc tại 53 quốc gia. Hơn một nửa số ca cần nhập viện và 38 người tử vong, tính đến ngày 6/3. Tại Mỹ, dịch sởi đã được công bố xóa sổ vào năm 2000 đã quay trở lại và gây ra hai ca tử vong từ đầu năm 2025 đến nay.


Một nghiên cứu đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ về do dự tiêm vaccine HPV tại Nhật Bản, giai đoạn 2013 -2019 đã dẫn đến khoảng 5.000 ca tử vong do ung thư cổ tử cung.


- Chuyện gì sẽ xảy ra trong cơ thể khi trẻ không được tiêm vaccine?


- Tiêm vaccine là đưa vào cơ thể thành phần của virus, vi khuẩn đã được làm yếu hoặc giết chết để kích thích cơ thể sinh kháng thể, tập đánh trận giả nhằm chống lại mầm bệnh thật tấn công trong tương lai. Người tiêm không cần phải trải qua thực sự một đợt mắc bệnh.


Việc để trẻ tự nhiễm bệnh, không tiêm vaccine, tương tự đưa trẻ ra chiến trường mà không có áo giáp. Trẻ có thể gặp nguy hiểm hơn gấp nhiều lần. Bằng chứng là các ca mắc bệnh nặng và tử vong do sởi, ho gà, não mô cầu từ đầu năm đến nay chủ yếu chưa tiêm vaccine.


Tỷ lệ tiêm chủng cần đạt từ 95% trở lên mới hình thành miễn dịch cộng đồng, mầm bệnh khó lây truyền từ người này sang người khác. Lúc đó, một thiểu số người chưa tiêm vaccine cũng được hưởng lợi và không mắc bệnh. Tuy nhiên, khi tỷ lệ tiêm chủng giảm sút, miễn dịch cộng đồng sẽ mất đi và dịch bệnh quay trở lại khiến các trẻ này sẽ có nguy cơ mắc bệnh rất cao.


Anti-vaccine có thể khiến cho các dịch bệnh đã được thanh toán từ lâu có nguy cơ quay trở lại, lúc đó không chỉ có một vài trẻ phải gánh chịu hậu quả mà còn cả cộng đồng.


- Theo ông cần làm gì để thay đổi quan điểm chống vaccine?


- Nhờ có vaccine, thế giới mới có thể xóa sổ bệnh đậu mùa, giảm hàng trăm đến hàng nghìn lần các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bại liệt, uốn ván, ho gà...


WHO đánh giá tiêm chủng là một trong những biện pháp can thiệp y tế thành công và hiệu quả nhất, giúp ngăn ngừa 4-5 triệu ca tử vong mỗi năm vì các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, cúm sởi... Nếu tình trạng do dự, quay lưng vaccine được cải thiện thì có thể giảm thêm 1,5 triệu ca tử vong mỗi năm nữa cho toàn cầu.


Tất cả vaccine đều được kiểm tra độ an toàn nghiêm ngặt, qua nhiều giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và thường xuyên đánh giá lại khi đã có mặt trên thị trường. Tác dụng phụ nghiêm trọng hiếm khi xảy ra và có tỷ lệ thấp hơn gấp nhiều so với tỷ lệ biến chứng nặng do bệnh tật.


Vaccine làm giảm nguy cơ mắc bệnh cho người tiêm và gián tiếp giảm gánh nặng bệnh tật cho cộng đồng. Các bậc phụ huynh cần là người tiếp cận và sàng lọc thông tin đầy đủ, sâu sắc trước khi quyết định tiêm chủng cho trẻ. Lợi ích của vaccine vô cùng to lớn, do đó phụ huynh cần đảm bảo cơ hội phòng bệnh của trẻ.


Tuấn An









Bac si Truong Huu Khanh: 'Khong tiem vaccine tre doi dien nhieu benh nguy hiem'


Viec khong tiem vaccine khien he mien dich khong duoc tap duot chong lai mam benh, tre co the phai chiu bien chung, doi dien nguy co tu vong rat cao.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: 'Không tiêm vaccine trẻ đối diện nhiều bệnh nguy hiểm'

Việc không tiêm vaccine khiến hệ miễn dịch không được tập dượt chống lại mầm bệnh, trẻ có thể phải chịu biến chứng, đối diện nguy cơ tử vong rất cao.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá