Thông tin được GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho biết tại hội thảo Tổng kết vận dụng chiến lược 6C trong dạy học môn giáo dục thể chất cấp tiểu học, ngày 13/5 tại Hà Nội.
"Thực tế, tầm vóc của người Việt hiện đã có sự cải thiện nhưng tương đối chậm so với các nước trong khu vực", ông Vinh nói. Hiện, chiều cao trung bình nam thanh niên là 168,1 cm, còn nữ cao trung bình 156,2 cm. So với 10 năm trước, nam thanh niên tăng 3,7 cm, còn nữ tăng 2,6 cm. So với các nước Đông Nam Á, chiều cao của người Việt xếp sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Trước đây 10 năm, người Việt đứng gần thấp nhất trong khu vực, chỉ nhỉnh hơn người Indonesia và Philippines.
Ông Vinh cho hay có 3 yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển tầm vóc, thể chất là gene, dinh dưỡng và vận động. Trong đó, gene là yếu tố không thể thay đổi, chỉ có thể tác động vào hai yếu tố còn lại. Về dinh dưỡng, những năm qua trẻ đã được chăm sóc dinh dưỡng tốt hơn từ gia đình đến bữa ăn bán trú ở trường học. Như ở Nhật Bản có chính sách dinh dưỡng học đường, họ yêu cầu 100% các trường triển khai ăn bán trú buổi trưa. Điều này góp phần cải thiện tầm vóc của người Nhật rất nhiều, theo ông Vinh.
Còn về vận động, thực tế, với cuộc sống hiện nay, nhiều học sinh khu vực thành phố không có nhiều cơ hội để vận động ngoài nhà trường. Học sinh thường học cả ngày ở trường, đến chiều về nhà và ít có thời gian vận động ngoài trời. Vì thế nếu ở trường, các em không tích cực tham gia vận động thì thời gian vận động rất ít.
"Điều này sẽ hạn chế sự phát triển sức khỏe và tầm vóc của trẻ", ông Vinh nói, thêm rằng hiện nay, trong chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thể chất chỉ hai tiết một tuần và như vậy là không đủ, có thể mở rộng 4 tiết một tuần.
Ông cho biết thêm, các tiết học giáo dục thể chất không chỉ giúp học sinh nâng cao thể lực và kỹ năng vận động, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành lối sống lành mạnh, tinh thần kỷ luật và sự tự tin cho học sinh. Chiến lược 6C được vận dụng trong các giờ giáo dục thể chất thông qua các trò chơi sẽ giúp tất cả các trẻ tự tin tham gia, từ đó, tạo được sự hứng khởi, yêu thích vận động của trẻ.
Chiến lược 6C gồm 6 yếu tố: Confidence (tự tin), Contribution (đóng góp), Connection (gắn kết), Clear/Concise (rõ ràng/súc tích), Choice (lựa chọn) và Celebration (công nhận, khen ngợi). Chiến lược này nằm trong dự án "Phát triển Giáo dục thể chất trong nhà trường tiểu học ở Việt Nam" được khởi động từ năm 2020. Mục đích của dự án là phát triển giáo dục thể chất trong các trường tiểu học trên toàn quốc.
"Việc triển khai tăng cường môn giáo dục thể chất, yêu cầu có bữa ăn bán trú cho học sinh là điều kiện tiên quyết giúp phát triển tầm vóc trong thời gian tới", GS Vinh nói.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chia sẻ về lợi ích của việc trẻ được vận động, như giúp duy trì cân bằng năng lượng và mức cân nặng, tăng cường sự rắn chắc của xương và cơ bắp, tăng cường lưu thông máu và giúp trẻ có trái tim khỏe mạnh. Ngoài ra, một đứa trẻ phát triển khỏe mạnh còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, giúp tâm trạng thư thái và giảm căng thẳng, tự tin hơn trong cuộc sống.
Lê Nga