Ăn đồ sống có nguy cơ nhiễm sán lá gan

Thói quen ăn các món cá sống, rau sống tiềm ẩn nguy cơ nhiễm sán lá gan, có thể gây tổn thương gan.


Sán lá gan là bệnh nhiễm ký sinh trùng ở đường tiêu hóa và gan, do các loài sán lá gan nhỏ (Clonorchiasis, Opisthorchiasis) và sán lá gan lớn (Fascioliasis) gây ra. Khi xâm nhập vào cơ thể, chúng di chuyển lên đường mật, gan, gây tổn thương. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến viêm gan, tắc ống mật, xơ gan, thậm chí ung thư đường mật.


BS.CKII Ngô Trần Quang Minh, Giám đốc chuyên môn kiêm Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8, cho biết nguy cơ nhiễm sán lá gan có thể xảy ra do thói quen dùng thực phẩm sống thường xuyên như thịt tái, gỏi cá, cá nướng tái, lẩu cá nấu chưa chín, tôm sống hay rau thủy sinh như rau muống, cải xoong, rau cần nước... Các thực phẩm chưa được rửa sạch hay nấu chín này tạo điều kiện cho ấu trùng sán lá gan xâm nhập vào cơ thể.


Trứng sán thường từ phân người, bò, lợn nhiễm bệnh đi vào nguồn nước. Trứng nở thành ấu trùng lông, ký sinh trong ốc nước ngọt, phát triển thành ấu trùng đuôi. Ấu trùng đuôi bám vào cá nước ngọt, xâm nhập vào cơ thịt cá, thành nang trùng. Khi người ăn cá sống, gỏi cá hoặc cá nấu chưa chín, ấu trùng sẽ đi vào ruột, di chuyển lên gan, đường mật và trưởng thành thành sán lá gan.


Bác sĩ Minh cho biết hầu hết bệnh nhân thường nhầm tưởng triệu chứng ban đầu của bệnh sán lá gan với tình trạng rối loạn tiêu hóa thông thường, dẫn đến chẩn đoán, điều trị muộn. Các dấu hiệu thường gặp của bệnh sán lá gan là đau âm ỉ vùng bụng trên (vùng gan), đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, buồn nôn, mệt mỏi, vàng da, ngứa và sốt nhẹ kéo dài. Trong giai đoạn nặng, bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng như sụt cân không rõ nguyên nhân, gan to, đau vùng gan, có thể diễn tiến thành áp xe gan, nguy cơ xơ gan hoặc ung thư đường mật. Nhóm nguy cơ cao gồm người thường xuyên ăn các món tái sống hoặc uống nước chưa đun sôi, trẻ em, người cao tuổi do sức đề kháng yếu, dễ bị nhiễm ký sinh trùng.


Người nghi ngờ nhiễm sán cần đến cơ sở y tế để xét nghiệm máu hoặc siêu âm gan. Thông qua khám, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng thuốc như các loại thuốc tẩy giun sán nhằm loại bỏ sán lá gan. Trong một số trường hợp nặng, bác sĩ có thể can thiệp phẫu thuật nếu có ổ áp xe gan kích thước lớn trên 5 cm.


Để phòng tránh bệnh, bác sĩ Quang Minh khuyến cáo mọi người ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn cá, tôm tái hoặc sống. Rửa kỹ rau thủy sinh dưới vòi nước sạch (hoặc có thể pha thêm ít muối vào nước để rửa) và nấu chín hoàn toàn bởi ấu trùng sán bám chắc, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Khám sức khỏe và tẩy giun sán định kỳ mỗi 4-6 tháng.


Phượng Thy


Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp







An do song co nguy co nhiem san la gan


Thoi quen an cac mon ca song, rau song tiem an nguy co nhiem san la gan, co the gay ton thuong gan.

Ăn đồ sống có nguy cơ nhiễm sán lá gan

Thói quen ăn các món cá sống, rau sống tiềm ẩn nguy cơ nhiễm sán lá gan, có thể gây tổn thương gan.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá