Thông tin được công bố trong buổi họp báo "Acecook Việt Nam 30 năm đổi mới nâng tầm hạnh phúc" sáng 3/7 tại TP HCM, dịp 30 năm ngày tung sản phẩm đầu tiên (7/7/1995-7/7/2025).
Ông Kaneda Hiroki - Tổng giám đốc Acecook Việt Nam cho biết trong chiến lược lần này, Acecook Việt Nam đặt mục tiêu trở thành "doanh nghiệp cung cấp thực phẩm tổng hợp bền vững, vươn tầm thế giới". Chiến lược này không đơn thuần mở rộng danh mục sản phẩm, mà còn xây dựng một hệ sinh thái ẩm thực toàn diện, đáp ứng nhu cầu và hành vi tiêu dùng ngày càng đa dạng.
Tầm nhìn của doanh nghiệp hướng nhiều tới xuất khẩu, sau khi đã chiếm 40,7% thị phần mì ăn liền và bán ra 3,3 tỷ gói sản phẩm tại thị trường nội địa năm 2024.
Ông Kaneda Hiroki kỳ vọng nhiều vào tiềm năng của thị trường quốc tế. Hiện nay, sản phẩm Acecook đã được xuất khẩu đi hơn 40 quốc gia, với doanh số năm 2024 đạt hơn 239 triệu gói, tăng 23% so với năm 2023. Sắp tới, doanh nghiệp sẽ tập trung khai thác sâu các thị trường trọng điểm như Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á thông qua hợp tác với các nhà phân phối quy mô lớn và phát triển các sản phẩm có thiết kế và hương vị phù hợp với thị hiếu người dùng bản địa. Trọng tâm cho xuất khẩu vẫn là thương hiệu Hảo Hảo. Bên cạnh đó, hãng phát triển các sản phẩm vệ tinh, đơn cử phở ăn liền vốn được thị trường EU và Bắc Mỹ ưa thích.
Cải tiến nhóm sản phẩm "quốc dân"
Để tăng thị phần ở nội địa quốc tế, hãng chú trọng cải tiến những sản phẩm "quốc dân" như mì Hảo Hảo, miến Phú Hương theo hướng tăng cường giá trị dinh dưỡng, mang lại sự tiện lợi và cảm xúc cho người dùng, phù hợp đa dạng bối cảnh ăn uống.
Thời gian qua, Hảo Hảo được bổ sung các dưỡng chất thiết yếu như 333 mg canxi trong một gói, cung cấp 1/3 nhu cầu canxi hàng ngày khuyến nghị của Bộ Y tế với nhóm vị thành niên, trưởng thành. "Nếu quy đổi theo sản lượng hàng năm của Hảo Hảo, công ty cung cấp khoảng 800 tấn canxi cho người tiêu dùng. Lượng canxi được cung cấp chỉ từ một thương hiệu như vậy có thể được xem là hàng đầu trong ngành thực phẩm", ông Shimamura Masafumi, Giám đốc khối Marketing cho biết.
Trong khi đó, miến Phú Hương được bổ sung vitamin B12. Các sản phẩm phở, bún ăn liền sử dụng thịt thật, rau củ thật. Vào tháng 8 tới, Acecook sẽ ra mắt dòng sản phẩm "Dalago" - sử dụng "sợi mì bổ sung rau củ" được làm từ rau củ Đà Lạt, giúp sản phẩm ngon, lành mạnh và tốt cho sức khỏe. Các dòng mì, phở, bún ăn liền được nâng cấp với nhiều phiên bản cao cấp.
Song song, Acecook tiếp tục sáng tạo món ăn lấy cảm hứng từ ẩm thực truyền thống dưới hình thức hiện đại hơn, phù hợp khẩu vị quốc tế. Ví dụ sản phẩm "Phở Đệ Nhất" hợp tác cùng nhà hàng "Phở Khôi Hói" - đại diện Michelin Guide tại Hà Nội, tái hiện hương vị phở lõi bò gầu giòn. Hay món "Bún chả Hà Nội" cho phép người dùng thưởng thức đặc sản địa phương dù ở bất cứ đâu.
Trên cơ sở ứng dụng công nghệ Nhật Bản, đơn vị có nhiều sản phẩm độc đáo, tiên phong trên thị trường. Đơn cử Siukay Gà ra mắt hồi tháng 4 với "sốt phô mai tan chảy" đang tạo xu hướng trong các dòng sản phẩm mì cay.
Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tiện lợi, Acecook cũng từng bước lấn sân sang các ngành hàng kế cận như gia vị tiện lợi, thực phẩm ready-to-eat (ăn ngay) và các món ăn vặt có thể thay thế bữa chính.
Doanh nghiệp đã ra mắt các dòng sản phẩm phù hợp với lối sống hiện đại như canh ăn liền Kanli, gia vị cơm chiên Rang Rang (với gói topping gồm rau củ, hải sản, gia vị giúp làm món cơm chiên chỉ trong 3 phút)... Các danh mục sản phẩm mới (bên ngoài mì ăn liền) đang được nghiên cứu gồm có các loại gia vị (sa tế, tương ớt), đồ ăn vặt có hình dạng mới, thực phẩm đóng gói sẵn, gia vị tiện lợi...
Xanh hóa bao bì lẫn quy trình
Bên cạnh chất lượng sản phẩm, Acecook cũng cải tiến mẫu mã bao bì theo hướng xanh hóa, với 90% bao bì mì ly, tô, khay hiện nay đã chuyển sang sử dụng bao bì giấy thân thiện.
Để đạt mục tiêu mở rộng danh mục và xanh hóa sản phẩm, doanh nghiệp đang xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, dự kiến sẽ hoàn thành năm 2026. Trung tâm này sẽ tập trung nghiên cứu công nghệ mới có lợi cho sức khỏe như mì ăn liền giảm muối, giảm đường, giảm béo, công nghệ FD, bao bì mới.... Nơi đây cũng phân tích, nghiên cứu nền tảng các nguyên liệu tốt cho sức khỏe, thực phẩm có nguồn gốc thực vật, phân tích và nghiên cứu vị giác, khứu giác.
Công ty tập trung củng cố hệ thống sản xuất để đáp ứng xu hướng bền vững của người dùng các nước tiên tiến. "Một vài nỗ lực tiêu biểu như sản phẩm đạt chứng nhận không chứa gluten, sử dụng dầu cọ có chứng nhận RSPO, sản phẩm có nhãn Halal dành riêng cho nhu cầu ăn chay tại nhiều quốc gia có người Hồi giáo, nâng cấp hệ thống nhà máy, đạt chuẩn quốc tế như ISO 22000, HACCP, BRCGS, IFS", Chánh văn phòng tổng giám đốc Acecook Việt Nam, ông Horikawa Masashi cho biết.
Doanh nghiệp cũng lên kế hoạch mở rộng nhiều dây chuyền sản xuất tại các nhà máy từ Bắc tới Nam theo hướng xanh hóa trong giai đoạn 2025-2030. Hiện tại, 54% nhà máy của Acecook đã sử dụng nhiên liệu sinh khối; mục tiêu đến năm 2030 nâng tỷ lệ này lên 80%. Nhà máy tại Vĩnh Long, dự kiến sẽ đi vào vận hành từ đầu 2026, cũng đang được xây dựng theo hướng thân thiện môi trường với hệ thống pin năng lượng mặt trời để tự cung cấp điện phục vụ sản xuất, nhiên liệu sinh khối. Nhà máy này có vốn đầu tư 200 triệu USD, xây dựng trên khu đất rộng 11 ha, gồm 17 dây chuyền sản xuất, tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động.
"Đổi mới không chỉ để tăng trưởng, mà còn để tạo ra giá trị hạnh phúc dài lâu cho con người và xã hội", Tổng giám đốc Kaneda Hiroki nhấn mạnh.
Ông cho biết, nhân dịp 30 năm, doanh nghiệp không đặt ra mục tiêu với những con số cụ thể mà đề cao tăng trưởng ổn định. Chiến lược mới mang tên "Cook Happiness Through Innovation - Đổi mới nâng tầm hạnh phúc" hướng tới phát triển bền vững và vươn tầm thế giới. Doanh nghiệp đặt ra mục tiêu mang lại hạnh phúc cho ba nhóm: khách hàng, xã hội, nhân viên thông qua ẩm thực.
"Mỗi sản phẩm được phát triển không chỉ được đo lường bằng số lượng bán ra mà còn phải được đánh giá bằng mức độ gắn kết cảm xúc với người tiêu dùng", ông Shimamura Masafumi bổ sung.
Hoàng Anh