37 tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài muốn về Việt Nam dạy học

37 tiến sĩ tốt nghiệp nước ngoài ứng tuyển về Việt Nam giảng dạy tại 4 trường đại học học, trong đó nhiều người đã công bố hàng chục bài báo khoa học uy tín. Ngoài ra, thêm 12 giáo sư, phó giáo sư ở trên thế giới sẽ tham gia thỉnh giảng.


37/39 tiến sĩ tốt nghiệp nước ngoài muốn về Việt Nam giảng dạy


39 tiến sĩ, trong đó có 37 người tốt nghiệp ở nước ngoài ứng tuyển giảng dạy các trường thuộc Đại học quốc gia TPHCM.


Theo đó, Trường ĐH Bách khoa có số lượng ứng viên đông nhất với 24 người, tiếp theo là Trường ĐH Khoa học tự nhiên với 11 ứng viên, Trường ĐH Kinh tế - Luật có 3 ứng viên và Trường ĐH Khoa học Sức khỏe có 1 ứng viên.


Các ứng viên là những tiến sĩ tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo uy tín trên thế giới như: Đại học Keio (Nhật Bản), Đại học Virginia (Hoa Kỳ), Đại học Quốc gia Singapore (Singapore), Đại học RWTH Aachen (Đức), Đại học Bologna (Ý), Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (Úc), Đại học Ludwig Maximilian München (Đức), Đại học Sorbonne Paris Nord & CEA Saclay (Pháp), Hàn Quốc, Đài Loan, Canada, Hungary, Nga, Úc, Thái Lan và Đan Mạch.


Nhà khoa học ở Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: VNU

Nhiều người có thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học với hàng chục bài báo quốc tế uy tín, tiêu biểu như: TS Hồ Hoàng Phước (Đại học RWTH Aachen - Đức và ĐH Bologna - Ý): 72 bài báo quốc tế; TS Nguyễn Thành Nho (Trường Đại học New Caledonia - Pháp): 62 bài báo; TS Nguyễn Kim Chung (Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne - Úc): 42 công bố quốc tế; TS Mai Thanh Tâm (Viện Công nghệ Kyoto - Nhật Bản): 37 bài báo; TS Trương Trung Kiên (Đại học Texas tại Austin - Hoa Kỳ): 36 bài báo.


Họ muốn về Việt Nam giảng dạy theo chương trình VNU350 của Đại học Quốc gia TPHCM. Theo chương trình này, với nhà khoa học trẻ, trong thời gian 2 năm đầu, họ sẽ được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại C (kinh phí 200 triệu đồng); năm thứ ba được cấp 1 đề tài loại B (kinh phí tối đa 1 tỷ); năm thứ 4 họ được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 10 tỷ đồng; năm thứ 5 được hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó giáo sư cấp Nhà nước.


Đối với nhà khoa học đầu ngành, trong thời gian 2 năm đầu được cấp một đề tài nghiên cứu khoa học loại B (kinh phí tối đa 1 tỷ đồng). Các năm tiếp theo được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 30 tỷ đồng; được hỗ trợ thành lập nhóm nghiên cứu mạnh, đăng ký chủ trì đề tài các cấp. Ngoài các chế độ đãi ngộ trên, họ nhận được lương, thưởng theo quy định.


Thêm 12 giáo sư, phó giáo sư nước ngoài đến thỉnh giảng


12 giáo sư, phó giáo sư ở các trường đại học trên thế giới sẽ tham gia chương trình giáo sư thỉnh giảng của Đại học Quốc gia TPHCM. Họ là những nhà khoa học xuất sắc, chuyên gia đến từ nhiều đại học và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới như Oxford, Harvard, Tohoku, KU Leuven, Sydney, Tours, Sains Malaysia, cùng các viện, công ty công nghệ và phòng thí nghiệm tiên tiến tại Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Bỉ, Đức, Malaysia và Australia.


Những nhà nghiên cứu này sẽ tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại các đơn vị thành viên, trực thuộc Đại học Quốc gia TPHCM như Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Khoa học Sức khỏe, Trường ĐH An Giang và Viện Công nghệ Nano.


Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: VNU

Có nhiều giáo sư tiêu biểu như: GS Sarosh R. Irani đang công tác tại Đại học Oxford (Anh) và Mayo Clinic (Hoa Kỳ), chuyên về miễn dịch, lâm sàng thần kinh, khoa học thần kinh, tự miễn và sinh lý học;


GS Emilie Allard Vannier – Đại học Tours (Pháp), chuyên môn về dược học và bào chế thuốc;


PGS Matthew Erlich và TS Galina Gheihman – đến từ Trường Y Khoa Harvard (Hoa Kỳ) chuyên về lĩnh vực nội nhi và giáo dục y khoa;


PGS Tran Hoang Nguyen – chuyên gia khoa học máy tính từ Đại học Sydney (Australia);


PGS Fujita Daisuke – Đại học Saga (Nhật Bản), nghiên cứu di truyền và sinh học phân tử trong nông nghiệp;


TS Tran Van Xuan – chuyên gia về trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và công nghiệp 4.0/5.0, kỹ thuật hạt nhân và mô hình hóa mô phỏng, hiện công tác tại Công ty EDF EPR Engineering (Vương quốc Anh).


Các lĩnh vực chuyên môn của các giáo sư thỉnh giảng trải rộng từ trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật sinh học, công nghệ nano, địa kỹ thuật, thần học, đến miễn dịch học, sinh học phân tử, y khoa và vật liệu oxit kim loại.


Chương trình giáo sư thỉnh giảng của Đại học quốc gia TPHCM hướng đến việc kết nối trí thức toàn cầu, tăng cường hợp tác quốc tế, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Đại học Quốc gia TPHCM quyết tâm mời 100 người để bổ nhiệm làm giáo sư thỉnh giảng trong 5 năm. Người được mời phải ký hợp đồng làm việc 5 năm tại ĐH Quốc gia TPHCM hoặc chí ít là 1 năm, sau đó tiếp tục gia hạn. Trước mắt trong 2 năm 2025 và 2026, đơn vị này dự tính mời và bổ nhiệm 50 người.


Giáo sư thỉnh giảng chỉ cần 10 ngày làm việc trực tiếp tại ĐH Quốc gia TPHCM, còn lại làm việc từ xa. Họ sẽ được chính Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM ra quyết định bổ nhiệm, được hỗ trợ thủ tục pháp lý, visa, thủ tục xuất nhập cảnh, chi phí đi lại, chi phí lưu trú trong thời gian làm việc, hưởng mức thù lao cạnh tranh dựa trên số giờ dạy, đồng hướng dẫn nghiên cứu và các hoạt động khác.


Nguyên Giám đốc Sở Y tế làm Chủ tịch Hội đồng giáo sư ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch Sau nhiều lùm xùm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã bổ nhiệm chức danh Hội đồng giáo sư cơ sở năm 2025 với 12 thành viên. GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, nguyên Giám đốc Sở Y tế TPHCM làm chủ tịch Hội đồng.
Vị giáo sư nào có 6 con ruột là GS - PGS, 3 con rể mang hàm tướng quân đội? Ông là một giáo sư đáng kính, cả cuộc đời dành cho sự nghiệp khoa học và cách mạng của đất nước. Ông có 6 người con ruột đều là giáo sư, phó giáo sư; 3 người con rể là tướng trong quân đội.