Hai người, ở Thái Nguyên và Phú Thọ, sau tai nạn được trung tâm y tế tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng chấn thương sọ não rất nặng, hôn mê sâu. Các bác sĩ điều trị hồi sức tích cực, song kỳ tích không đến với họ. Hội đồng chuyên môn ba lần test não cả hai bệnh nhân, kết quả đều dương tính, kết luận đã chết não.
Hai gia đình đồng ý hiến tạng người thân, gồm 2 tim, 2 gan, 4 thận, 2 tĩnh mạch chủ chậu, 2 khí quản, 4 giác mạc, 11 đoạn gân. Khoảng 100 y bác sĩ đã tiến hành hai cuộc đại phẫu liên tiếp trong vòng 24 giờ tại Bệnh viện Việt Đức, từ tối 3/1 đến sáng 4/1, để tiếp nhận tạng và mô hiến. Đồng thời 6 bàn mổ cũng hoạt động liên tục để ghép tạng cho các bệnh nhân, với quy trình bác sĩ vừa ghép xong ca một lập tức mang dụng cụ đi hấp và bắt tay ngay vào ca ghép tiếp theo.
Kết quả, 2 bệnh nhân được ghép tim, 2 bệnh nhân được ghép gan và 4 bệnh nhân được ghép thận. Trong đó, 2 giác mạc, một gan được chuyển sang Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và 2 giác mạc sang Bệnh viện Mắt trung ương để ghép cho người phù hợp. Những mô, tạng khác đang được lưu giữ trong ngân hàng để ghép cho những bệnh nhân khác.
Sáng 10/1, TS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết các ca ghép tạng thành công, sức khỏe bệnh nhân hiện ổn định.
Một trong hai bệnh nhân được ghép tim có bé gái 8 tuổi nặng 18 kg, bệnh cơ tim giãn, suy tim. Các bác sĩ đánh giá đây là trường hợp "rất đặc biệt". Hồi tháng 6, bé được chỉ định ghép tim. Anh trai của bé hiện 10 tuổi, cũng bị bệnh tương tự và đã được ghép tim 3 năm trước, là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất Việt Nam được ghép tim lúc bấy giờ, hiện sức khỏe tốt.
Giãn cơ tim là bệnh nguy hiểm, kỳ vọng sống rất thấp, bệnh nhân đến 15 tuổi thường chết vì suy tim. Hy vọng cứu sống những trường hợp này là ghép tim, tuy nhiên cơ hội được ghép cũng rất thấp do thiếu nguồn hiến. Bé gái trên, được các bác sĩ phát hiện bệnh lý trong quá trình tiến hành thủ tục ghép tim cho anh của bé, từ đó được điều trị, theo dõi sát.
Lần này, bé gái nhận tim từ người lớn, đặt ra thách thức cho các bác sĩ là làm sao đưa trái tim của người lớn vào lồng ngực một bé.
"Chúng tôi đã cố gắng điều chỉnh trái tim ghép sao cho tương thích nhất với bé", bác sĩ Hùng nói, thêm rằng may mắn sau mổ 7 ngày, cháu tỉnh táo, chức năng tim tốt.
Người được ghép trái tim còn lại là bệnh nhân nam 67 tuổi, nhiều bệnh lý nền, trong đó nhồi máu cơ tim cấp đã đặt stent mạch vành nhưng vẫn tiếp tục suy tim. Lần này, bệnh nhân có chỉ số tương thích với người hiến nên được chọn ghép tim. Hiện, sau mổ ngày thứ 6, bệnh nhân tỉnh, chức năng tim cải thiện.
PGS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, cho biết từ năm 2010 đến nay Việt Đức đã thực hiện được 59 ca ghép tim, 88 ca ghép gan, 185 ca ghép thận và nhiều ca ghép mô khác. Ghép mô, tạng là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế, cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như suy thận mãn, bệnh gan, tim, tủy, hỏng giác mạc...
Hơn 30 năm qua, Việt Nam đã ghép tạng hơn 8.000 ca, trong đó trường hợp người chết não hiến tạng chỉ chiếm 10%. Bệnh viện Việt Đức là đơn vị đứng đầu cả nước về số lượng lấy - ghép mô, tạng từ người cho chết não. Đến nay, 154 ca chết não hiến tạng tại Việt Nam, trong đó Việt Đức chiếm 70%. Theo lãnh đạo bệnh viện, sắp tới Việt Đức sẽ tiến hành các ca ghép phổi, khí quản, van tim - đều lần đầu ghép ở Việt Nam.
Lê Nga