Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, 91 tuổi, nói ông "đã quá già" nhưng vẫn đến dự Hội thảo 50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện đại, do Bộ Ngoại giao tổ chức hôm nay tại Hà Nội để ôn lại ngày kỷ niệm kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước.
Ông nhắc lời chia sẻ của nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình rằng chiến thắng quân sự quyết định cuộc đàm phán trên bàn hội nghị là điều đúng đắn, nhưng ngược lại nếu không có Hiệp định Paris năm 1973 thì không có chiến thắng ngày 30/4/1975. Những nhà ngoại giao tài ba dưới sự lãnh đạo của Đảng khi ấy đã hoạt động tích cực, khôn khéo, chủ động liên tục tiến công khiến đối phương phải nhân nhượng. Hiệp định Paris được ký kết là đỉnh cao về thương lượng chấm dứt chiến tranh trong lịch sử ngoại giao Việt Nam.
Ông điểm lại "bốn điều nhất" của Hội nghị Paris, đó là cuộc đàm phán dai dẳng, kéo dài nhất trong lịch sử 4 năm 8 tháng 16 ngày với hơn 200 cuộc họp chính thức, 45 cuộc họp riêng, hơn 500 cuộc họp báo và hàng nghìn cuộc phỏng vấn. Hội nghị là cuộc đàm phán quyết liệt nhất trong cục diện "vừa đánh vừa đàm". Nếu chiến trường không giành thế chủ động, tấn công thì trên bàn đàm phán cũng bó tay. Thắng lợi quân sự liên tục đã tạo cơ hội cho các nhà đàm phán của Việt Nam ép đối phương chấp nhận những điều khoản cơ bản cần có.
Đàm phán đã tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân thế giới bởi khi hội nghị đang họp thì ngay trong lòng nước Mỹ liên tục có biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh, trả lại độc lập, thống nhất cho dân tộc Việt Nam, tạo nên sức ép lớn cho đối phương. Cuối cùng quan trọng nhất là Việt Nam đã giành được những thắng lợi cơ bản, yêu cầu Mỹ rút quân khỏi miền Nam - chìa khóa tạo cục diện quân sự mới để hai năm sau giải phóng miền Nam thống nhất hoàn toàn đất nước.
Ông Niên nhắc lại lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau ngày 30/4/1975 có người vui và cũng có người buồn. Câu nói đúng với thời điểm đó, nhưng sau 50 năm nhìn lại thì người vui ngày càng nhiều, là dòng chủ đạo vì đất nước đã thống nhất, xây dựng được cơ đồ, tiềm lực, vị thế tốt đẹp cho dân tộc, cho nhân dân.
"Làm sao mà không vui được khi Việt Nam kết thúc chiến tranh, trong vòng 50 năm đã nối lại quan hệ với Mỹ - một cựu thù và còn nâng quan hệ lên tầm cao nhất của ngoại giao là đối tác chiến lược toàn diện", ông nói, nhấn mạnh thông điệp sau nửa thế kỷ thống nhất chính là hòa bình. Đấu tranh dù khốc liệt đến đâu thì cuối cùng vẫn phải đi đến thương lượng, đối thoại.
Sức mạnh mềm trong ngoại giao
GS Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhắc bài học từ tiền nhân cho thấy ngoại giao có thể quyết định đến vận mệnh dân tộc. Thường xuyên phải đối mặt phức tạp tầm cỡ toàn cầu, từ ba lần đánh quân Nguyên Mông cho đến đương đầu với thực dân Pháp, đế quốc Mỹ nên không dân tộc nào khát khao sống yên bình như người Việt Nam. Lịch sử cho thấy ông cha luôn tìm cách gìn giữ hòa bình cho đến khi không nhịn được nữa thì phải đánh. Lịch sử bốn nghìn năm mang lại nhiều thành tựu ngoại giao khiến người Việt có thể kiêu hãnh cạnh những chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng, Xương Giang.
Ông rút ra 5 nhân tố bắt nguồn từ truyền thống dân tộc giúp ngoại giao kiến tạo hòa bình, đó là lợi ích nhân dân luôn được đặt lên hàng đầu; thực tâm yêu hòa bình; nền ngoại giao xuất phát từ văn hóa dân tộc, lòng nhân ái; luôn biết giương ngọn cờ chính nghĩa qua hàng nghìn đời và cuối cùng nền ngoại giao luôn chọn được những người tài giỏi.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại EU, Bỉ và Luxembourg khẳng định sức mạnh mềm của ngoại giao Việt Nam - tức khả năng thu hút và thuyết phục là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với thời đại. Trong kháng chiến chống Mỹ, chưa bao giờ Việt Nam coi nhân dân Mỹ là kẻ thù mà ngược lại đã biến họ thành đồng minh. Từ lẽ phải, chính nghĩa, Việt Nam đã có thể tập hợp được lực lượng ủng hộ ngay trong lòng đất nước gửi quân đi xâm chiếm. Những cuộc biểu tình ủng hộ của người Mỹ và khắp nơi trên thế giới đã giúp Việt Nam tăng cường tiềm lực trong đấu tranh để giành thắng lợi hoàn toàn.
Trong thời bình, "sức mạnh mềm" là thế và lực trong kinh tế, thương mại bên cạnh những chính sách quốc phòng. Vị thế, tiềm lực giúp đất nước chủ động hơn từ hợp tác kinh tế để chủ động tham gia giải quyết những vấn đề toàn cầu như tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, cứu trợ quốc tế...
Ngoại giao giữ vai trò kiến tạo hòa bình
"Đối ngoại thời chiến đóng góp hết sức vào công cuộc giải phóng đất nước thì thời bình đi đầu trong kiến tạo hòa bình, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa, mở rộng không gian phát triển", Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định.
Thời chiến, vai trò ấy thể hiện ngay sau ngày đất nước độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi nhiều điện, thư đến nguyên thủ, ngoại trưởng các nước Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô, đến Liên Hợp Quốc thể hiện rõ tinh thần "Việt Nam sẵn sàng làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai".
Giai đoạn chống Mỹ khốc liệt, mặt trận ngoại giao giúp Việt Nam phân hóa kẻ địch, lấy yếu thắng mạnh, tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế. Hiếm có cuộc đấu tranh nào trong thế kỷ 20 mà nhận được sự ủng hộ của nhân dân thế giới như ở Việt Nam, khi mà người Mỹ cũng xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh. Nhiều trí thức, kiều bào tình nguyện hồi hương, đem hết kiến thức và tài sản tích lũy góp phần cứu nước.
Ngoại giao phối hợp mặt trận quân sự, chính trị đã mở ra cục diện "vừa đánh, vừa đàm" đi từng bước đến thắng lợi. Lịch sử ghi danh những nhà chính trị, ngoại giao tiêu biểu như Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Thị Bình, Xuân Thủy với những cuộc đấu trí cam go trên bàn đàm phán, từ Hội nghị Geneve năm 1954 đến Hội nghị Paris 1973...
Ngoại giao còn góp phần tái thiết đất nước thời bình. Ngay khi còn chìm trong bom đạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "Chúng tôi sẵn sàng trải thảm đỏ và rắc hoa cho Mỹ rút". Thiện chí ấy thể hiện qua việc trao đổi tù binh khi thực hiện Hiệp định Paris, để Mỹ di tản công dân, nhân viên quân sự những ngày cuối tháng 4/1975, hợp tác tìm kiếm người Mỹ mất tích... Những cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam sau này lại năng nổ, tích cực nhất trong thúc đẩy bình thường hóa, phát triển quan hệ hai bên.
Bốn thập niên đổi mới, ngoại giao góp nhiều thành tựu cho dân tộc, khi từ nước bị bao vây, cô lập, Việt Nam đã mở rộng quan hệ với 194 nước, thiết lập mạng lưới 34 nước quan hệ đối tác toàn diện trở lên. Từ đất nước bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam giờ nằm trong top 35 nền kinh tế hàng đầu về quy mô GDP, top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Nửa thế kỷ trôi qua, ngoại giao vẫn nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, bám sát phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến". Sự bất biến là độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội, "ứng vạn biến" là linh hoạt về sách lược, coi trọng phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh, kinh tế trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bước vào kỷ nguyên mới, Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và nhất quán chính sách quốc phòng "4 không".
"Sự hồi sinh mạnh mẽ hậu chiến của Việt Nam là điển hình về hòa bình, tái thiết, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, lòng bao dung và nhân văn", Chủ tịch nước khẳng định, bày tỏ biết ơn đến nhân dân thế giới đã ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì chân lý không có gì quý hơn độc lập tự do, tri ân đến những bậc lão thành cách mạng, chứng nhân lịch sử với cống hiến không mệt mỏi vì sự nghiệp thống nhất nước nhà.
Hồng Chiêu