Vì sao dễ đổ bệnh khi mưa nắng thất thường?

Thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường khiến miễn dịch cơ thể kém đi, trong khi siêu vi, virus trở nên mạnh mẽ hơn, dễ tấn công gây bệnh hô hấp.


TP HCM đang chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, với thời tiết nắng nóng gay gắt xen kẽ nhiều trận mưa lớn. Ngày 10/5, đại diện Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên cho biết thời gian tới ở Nam Bộ có thể xuất hiện nhiều cơn mưa dị thường, thời tiết cực đoan do sự chuyển đổi từ pha La Nina sang pha trung tính.


PGS.TS.BS Lê Khắc Bảo, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Y học, Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho biết khi giao mùa, thời tiết thay đổi từ nắng sang mưa, nóng sang lạnh hoặc ngược lại, virus sẽ trở nên mạnh mẽ, sống lâu hơn. Bên cạnh đó, thời tiết chuyển mùa cũng khiến con người sẽ có xu hướng ít ra ngoài, tăng cơ hội tiếp xúc giữa người lành và người bệnh, từ đó dễ lây truyền bệnh. Chưa kể, giao mùa thường khiến cơ thể mệt mỏi, miễn dịch kém đi, các tác nhân gây bệnh dễ xâm nhập.


Một số bệnh hô hấp thường gặp khi chuyển mùa là cúm, phế cầu, virus hợp bào hô hấp... Những bệnh này có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng, thậm chí ảnh hưởng tính mạng. Trong đó, phế cầu khuẩn là tác nhân nguy hiểm, tấn công vào phổi gây viêm phổi, vào tai gây viêm tai giữa. Khuẩn này xâm lấn vào máu có thể dẫn đến nhiễm trùng máu hoặc đến não viêm màng não cùng nhiều biến chứng nghiêm trọng.


Virus hô hấp hợp bào (RSV) với hai type A và B, khiến người mắc dễ có nguy cơ tái nhiễm. Virus này cũng có khả năng sống mạnh mẽ, hệ số lây nhiễm cao với một người nhiễm bệnh có thể lây cho 3-5 trường hợp. Thời gian cơ thể cần để tiêu diệt virus này thường là 5-8 ngày và nhiều hơn ở trẻ nhỏ. Người nhiễm virus thường hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, sốt nhẹ, một số trường hợp có thể diễn biến nặng. Đây là tác nhân thường gặp gây viêm tiểu phế quản ở trẻ dưới 2 tuổi, dễ khiến trẻ khó thở, suy hô hấp, tử vong.


"Vấn đề không hiếm gặp hiện nay là bệnh nhân đồng nhiễm nhiều tác nhân cùng lúc, khiến quá trình điều trị khó khăn, tốn kém hơn", bác sĩ nói.


Mới đây, bác sĩ tiếp nhận người đàn ông ngoài 60 tuổi bị viêm phổi, dùng kháng sinh vài ngày vẫn không cải thiện. Phim phổi diễn tiến xấu hơn, phải hỗ trợ hô hấp dù bớt sốt. Xét nghiệm PCR đa tác nhân cho thấy bệnh nhân đồng nhiễm cả vi khuẩn và virus, phải kết hợp nhiều biện pháp điều trị mới hồi phục, tốn kém hàng chục triệu đồng.


Theo phó giáo sư Bảo, một người bị nhiễm virus, chẳng hạn như cúm, sẽ làm cho niêm mạc đường thở trở nên yếu ớt đi, mở đường cho các vi trùng xâm nhập. Bình thường, một số vi khuẩn "thường trú" ở đường hô hấp trên. Khi hệ miễn dịch suy yếu, chúng phá vỡ hàng rào bảo vệ để tấn công sâu bên trong, ảnh hưởng đến các cơ quan, gây nhiều khó khăn cho điều trị, dễ dẫn đến đề kháng kháng sinh.


Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, vận động thể lực thường xuyên... để nâng cao thể lực phòng tránh bệnh. Đeo khẩu tay khi đến nơi đông người, thường xuyên rửa tay, khử khuẩn. Kiểm soát tốt các bệnh nền nếu có. Tiêm vaccine phòng ngừa những bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp.


Mới đây, Bộ Y tế đề xuất đưa vaccine phòng bệnh do phế cầu vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm miễn phí cho trẻ. Việt Nam cũng đang trong quá trình xem xét cấp phép lưu hành vaccine phòng bệnh do virus hợp bào hô hấp. Trên thế giới, vaccine này thường chỉ định tiêm cho người cao tuổi, người mắc bệnh nền, phụ nữ ở tam cá nguyệt cuối của thai kỳ để tạo kháng thể cho mẹ và truyền qua thai nhi, giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ khi chào đời.


Chuyên gia cảnh báo những nhóm nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người có bệnh nền, người cao tuổi, hút thuốc lá, nghiện rượu bia... cần cảnh giác với các bệnh đường hô hấp khi thay đổi thời tiết. Đây là nhóm dễ tiến nặng khi nhiễm vi khuẩn, siêu vi. Khi có triệu chứng bất thường như hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, đau nhức, sốt nhẹ, ho... cần đến bác sĩ thăm khám để xác định tác nhân cụ thể, xử trí kịp thời nhằm tránh diễn tiến nặng.


Lê Phương









Vi sao de do benh khi mua nang that thuong?


Thoi tiet chuyen mua, mua nang that thuong khien mien dich co the kem di, trong khi sieu vi, virus tro nen manh me hon, de tan cong gay benh ho hap.

Vì sao dễ đổ bệnh khi mưa nắng thất thường?

Thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường khiến miễn dịch cơ thể kém đi, trong khi siêu vi, virus trở nên mạnh mẽ hơn, dễ tấn công gây bệnh hô hấp.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá