BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên, trong bối cảnh 8/20 tỉnh thành phía Nam ghi nhận 12 ca bệnh não mô cầu trong 4 tháng đầu năm, cảnh báo có thể ghi nhận thêm ca bệnh trong thời gian tới.
Vi khuẩn não mô cầu thường cư trú ở vùng hầu họng, lây chủ yếu qua đường hô hấp, thông qua các giọt bắn khi ho, hắt hơi, tiếp xúc gần như hôn, dùng chung đồ dùng cá nhân như son môi, ly uống nước, bàn chải...
Không phải ai tiếp xúc với vi khuẩn não mô cầu cũng phát bệnh. Một số người có thể mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện triệu chứng, do có hệ miễn dịch đủ mạnh để kiểm soát, gọi là hiện tượng người lành mang trùng. Vi khuẩn sẽ nhân cơ hội xâm nhập cơ thể khi suy giảm sức đề kháng, nhiễm trùng đường hô hấp, mắc bệnh, hệ miễn dịch suy yếu do sử dụng thuốc ức chế hoặc ghép tạng, mắc HIV.
Triệu chứng nhiễm khuẩn não mô cầu thường xuất hiện đột ngột, dễ nhầm lẫn với cúm như: sốt cao, đau họng, đau nhức mỏi người. Tuy nhiên, não mô cầu có thêm các triệu chứng phân biệt như đau đầu dữ dội, cứng cổ, buồn nôn, lú lẫn, có thể có ban xuất huyết. Lúc này, từ vùng hầu họng, vi khuẩn bắt đầu vượt qua hàng rào niêm mạc và xâm nhập vào máu. Sau đó, vi khuẩn tạo ra lớp vỏ polysaccharide bao quanh giúp trốn tránh hệ miễn dịch và thay đổi kháng nguyên, bắt chước phân tử cơ thể người để nhân lên nhanh chóng. Cuối cùng, mầm bệnh tiết ra độc tố, khiến cơ thể phản ứng viêm mạnh, làm hỏng mạch máu gây sốc nhiễm trùng và rối loạn đông máu nghiêm trọng.
Thể bệnh nặng do não mô cầu thường gặp gồm viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi... Bệnh diễn tiến rất nhanh, khoảng 50% bệnh nhân tử vong nếu không được điều trị đúng cách. Dù được điều trị kịp thời và tích cực, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 15%. Nếu sống sót, khoảng 20% bệnh nhân chịu nhiều di chứng như hoại tử chi, điếc, liệt, chậm phát triển trí tuệ...
Còn nhóm người lành mang trùng có thể trở thành nguồn lây khó kiểm soát trong cộng đồng. Nguy cơ lây nhiễm cao hơn khi có các yếu tố: không gian chật hẹp, thông khí kém, điều kiện vệ sinh kém, đông người.
Nhóm thanh thiếu niên, người bị suy giảm miễn dịch và trẻ nhỏ dễ nhiễm não mô cầu và trở nặng. Ngoài ra, việc thường xuyên di chuyển, du lịch, công tác ở nhiều địa phương khác nhau cũng làm tăng nguy cơ tiếp xúc với các chủng não mô cầu.
Do đó, bác sĩ Chính khuyến cáo người dân phòng bệnh do não mô cầu từ sớm.
"Tỷ lệ người mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện triệu chứng trong cộng đồng khiến bệnh có thể bùng phát thành ổ dịch nhỏ nếu không sớm triển khai các biện pháp kiểm soát", bác sĩ Chính nói.
Do bệnh lây qua đường hô hấp, người dân được khuyến cáo phòng bệnh bằng cách: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; sử dụng các dung dịch sát khuẩn để súc miệng, họng; che kín miệng và họng khi hắt hơi, ho; đeo khẩu trang khi tiếp xúc người bệnh.
Người bệnh nên đến cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu sốt cao, đau đầu, buồn nôn hoặc nôn. Đồng thời, người thân, gia đình, bệnh nhân cần báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tiến hành điều tra, giám sát và xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, người từ hai tháng tuổi trở lên nên tiêm vaccine ngừa não mô cầu để tăng hiệu quả phòng bệnh. Vaccine ngừa não mô cầu được cung cấp trong tiêm chủng dịch vụ, giúp phòng 5 nhóm huyết thanh vi khuẩn não mô cầu gây bệnh phổ biến, gồm A, B, C, Y, W-135.
Có ba loại vaccine phòng não mô cầu, gồm: vaccine thế hệ mới Bexsero (Italy) tiêm cho người từ 2 tháng đến 50 tuổi, giúp phòng não mô cầu nhóm B; VA-Mengoc-BC (Cuba) tiêm từ 6 tháng đến 45 tuổi, giúp phòng hai nhóm B-C; Menactra (Mỹ) tiêm từ 9 tháng đến 55 tuổi, giúp phòng nhóm ACYW-135.
Do kháng thể đặc hiệu với nhóm não mô cầu này không có khả năng bảo vệ chéo với nhóm não mô cầu khác, mỗi người cần tiêm phối hợp các loại vaccine để phòng đủ 5 nhóm huyết thanh.
Trường hợp đã tiêm vaccine não mô cầu B, C, có thể tiêm thêm mũi phòng não mô cầu nhóm B thế hệ mới. Việc này giúp phòng ngừa đầy đủ với hiệu quả bảo vệ cao hơn trước các chủng vi khuẩn não mô cầu nhóm B và vaccine não mô cầu nhóm A, C, Y, W-135.
Anh Ninh