Trả lời:
Ung thư da là tình trạng các tế bào da phát triển ngoài tầm kiểm soát. Nguy cơ ung thư da có liên quan đến tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tiền sử da bị cháy nắng, gene di truyền, tiền sử gia đình có người từng bị ung thư da...
Có ba loại ung thư da chính là ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư hắc tố da. Ngoài ra còn một số dạng khác ít phổ biến như sarcoma kaposi hay ung thư biểu mô tế bào Merkel.
Ung thư da có yếu tố di truyền. Nếu có người thân (cha, mẹ, anh, chị, em) từng mắc ung thư da hoặc mắc bệnh liên quan đến sự phát triển của loại ung thư này gồm hội chứng Gorlin, bạch tạng mắt da, thiếu máu fanconi, khô da sắc tố, nguy cơ sẽ cao hơn.
Người mang gene ung thư da có nguy cơ phát triển khối u ác tính cao hơn. Những thay đổi DNA trong gene ức chế khối u, ví dụ BAP1 và CDKN2A, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tế bào hắc tố da.
Bạn thuộc nhóm tiền sử gia đình có người từng mắc ung thư da, lại thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nên nguy cơ cao hơn. Bạn nên đi khám, tầm soát ung thư da định kỳ mỗi năm và có kế hoạch điều trị từ giai đoạn sớm (nếu có), giúp tăng khả năng khỏi bệnh.
Bên cạnh đó, áp dụng một số biện pháp phòng ngừa ung thư da để giảm nguy cơ mắc bệnh gồm sử dụng kem chống nắng phổ rộng, có chỉ số SPF từ 30 trở lên, thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài ít nhất 15 phút và nên lặp lại sau mỗi hai giờ. Hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khung giờ 10h-16h giờ (thời điểm tia UV chiếu mạnh nhất trong ngày), che chắn cơ thể bằng quần áo, kính râm trước khi ra ngoài... cũng ngừa ung thư da.
Nếu phát hiện các sang thương da bất thường, hãy đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa Ung Bướu hoặc Da liễu để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.
BS.CKI Nguyễn Chí Thanh
Đơn vị Ung bướu
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |