Ngày 16/4, Tổng công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks) cho biết phân đoạn cáp Asia Direct Cable (ADC) nối tới Việt Nam đã bắt đầu hoạt động. Trước đó, từ tháng 12/2024, tuyến cáp chính đã được hoàn thành và vận hành, kết nối 7 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Dung lượng của ADC đoạn nối tới Việt Nam đạt 50 Tbps, trở thành tuyến cáp lớn nhất và bằng 125% tổng dung lượng kết nối quốc tế của Việt Nam trước đó.
Trước tháng 4, Việt Nam kết nối Internet quốc tế qua 5 tuyến cáp quang biển gồm IA, AAE-1, APG, AGG, SMW-3. Theo báo cáo của Cục Viễn thông - Bộ Khoa học và Công nghệ năm ngoái, dung lượng cáp quang biển hoạt động khoảng 38 Tbps.
ADC có chiều dài 9.800 km, kết nối Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Singapore, Nhật Bản và đặc khu Hong Kong. Tuyến có cấu hình 8 cặp sợi (8FP), sử dụng công nghệ ghép bước sóng mật độ cao với tổng dung lượng ban đầu trên 160 Tbps.
So với các tuyến cáp quang biển hiện có của Việt Nam, điểm khác biệt của ADC là kết nối trực tiếp tới cả ba trung tâm Internet của khu vực châu Á gồm Singapore, Hong Kong và Nhật Bản.
Theo đơn vị đầu tư, tổng vốn toàn tuyến ADC là 290 triệu USD, với sự hợp tác của 9 tập đoàn viễn thông gồm Viettel (Việt Nam), Softbank (Nhật Bản), Tata (Ấn Độ), Singtel (Singapore) China Telecommunications Corporation, China Telecom Global, China Unicom (Trung Quốc), National Telecom (Thái Lan) và PLDT (Philippines). Viettel sở hữu toàn bộ nhánh cáp kết nối Việt Nam và trạm cập bờ tại Quy Nhơn, cùng một phần của trục chính đi quốc tế. Viettel Networks là đơn vị vận hành khai thác.
Đại diện Viettel cho biết ban đầu sẽ đưa vào sử dụng một phần dung lượng tuyến ADC để tăng năng lực kết nối quốc tế, đáp ứng nhu cầu về dữ liệu và cải thiện trải nghiệm khách hàng khi sử dụng dịch vụ Internet. Tuyến cáp mới cũng giúp nâng mức dự phòng kết nối quốc tế, đảm bảo nhu cầu của Việt Nam khi có sự cố đứt cáp quang biển.
Những tháng qua, Việt Nam liên tục nâng cấp hạ tầng Internet nói riêng, hạ tầng số nói chung. Mục tiêu đến 2030, Việt Nam sẽ có 15 tuyến cáp quang biển. Ngoài ADC, một tuyến khác là SJC-2 dự kiến hoạt động thời gian tới.
Lưu Quý
Góp ý kiến tạoBạn có thể đặt mọi câu hỏi, vấn đề về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số trực tiếp cho Bộ trưởng, thứ trưởng và thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệGửi góp ý