Từ đầu năm, tôi thấy giá vật liệu xây dựng tăng rất cao so với năm ngoái. Nhiều người khuyên nên để năm sau xây nhà nhưng chúng tôi muốn triển khai sớm để có chỗ ở ổn định. Tôi nên làm như nào? Liệu với ngân sách của tôi có đủ để xây nhà không? Nếu đủ thì đáp ứng ở mức nào, bao gồm cả nội thất được không?
Độc giả: Hoàng Mai (Hà Nội)
Chuyên gia tư vấn:
Tình hình giá vật liệu và thời điểm xây
Từ đầu năm nay, giá vật liệu (sắt thép, xi măng, gạch...) đã tăng so với năm ngoái trung bình khoảng 10-20%, một số loại thậm chí tăng cao hơn. Tuy nhiên, khó dự đoán chắc chắn năm sau giá sẽ giảm hay tiếp tục tăng. Thực tế những năm gần đây, giá vật liệu hiếm khi giảm sâu, thường có xu hướng tăng nhẹ hoặc giữ nguyên.
Nếu gia đình bạn đã sẵn sàng về tài chính và đất đai, nhu cầu chỗ ở ổn định nên cân nhắc triển khai xây dựng sớm. Việc trì hoãn khiến bạn mất cơ hội, vì giá đất, nhân công và vật tư vẫn có thể còn tăng thêm. Quyết định thời điểm thi công phù hợp giúp tiết kiệm chi phí và chủ động trong kế hoạch ổn định chỗ ở lâu dài.
Ngân sách 1,5 tỷ đồng, xây nhà 3 tầng 1 tum diện tích 80 m2 có đủ không?
Tạm tính theo suất đầu tư năm 2025 ở khu vực phổ biến (không phải khu vực quá đắt đỏ):
- Diện tích xây dựng: 3 tầng + 1 tum = khoảng 4 sàn x 80 m2 = 320 m2 xây dựng.
- Suất xây dựng phần thô + nhân công hoàn thiện hiện nay: Trung bình 4,5 - 5,5 triệu đồng/m2 (tùy mức hoàn thiện). Mức khá trở lên: 6 - 6,5 triệu/ m2.
Tạm tính: 320 m2 x 5 triệu/ m2 ≈ 1,6 tỷ đồng cho phần thô + hoàn thiện cơ bản (chưa tính nội thất rời).
Như vậy, 1,5 tỷ đồng hiện tại chỉ đủ cho phần xây dựng ở mức tiết kiệm hoặc cơ bản, nếu muốn khá đẹp nên tính tối thiểu 1,6 - 1,8 tỷ đồng cho phần nhà.
Để hoàn thiện khá đẹp và làm nội thất, bạn nên chuẩn bị thêm khoảng 200 - 300 triệu đồng.
Cân đối nội thất trong ngân sách
Thông thường, các hạng mục nội thất rời như bàn ghế, giường tủ, thiết bị bếp... không được tính trong suất đầu tư xây dựng cơ bản. Với tổng ngân sách khoảng 1,5 tỷ đồng, việc đầu tư đồng loạt cả phần nhà và nội thất ngay từ đầu gặp nhiều giới hạn.
Để tối ưu chi phí, gia chủ nên ưu tiên hoàn thiện phần nhà trước. Cụ thể, tập trung vào các hạng mục thiết yếu như bếp, tủ bếp và khu vệ sinh nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt cơ bản.
Phần nội thất rời có thể được đầu tư dần tùy theo khả năng tài chính trong tương lai, trước mắt có thể tái sử dụng những vật dụng đang dùng. Cách làm này giúp phân bổ ngân sách hợp lý và giảm áp lực chi phí ban đầu.
Gợi ý giải pháp tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu xây dựng
Gia chủ nên làm việc với kiến trúc sư từ giai đoạn đầu để tối ưu công năng sử dụng và tránh lãng phí diện tích. Việc có bản vẽ thiết kế đầy đủ giúp lựa chọn vật liệu và kết cấu phù hợp, đồng thời hỗ trợ kiểm soát ngân sách và hạn chế phát sinh chi phí trong quá trình thi công.
Ở giai đoạn thi công, nên ưu tiên mức hoàn thiện cơ bản. Gia chủ có thể chọn vật liệu phù hợp với khả năng tài chính nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Một số hạng mục như tum hoặc không gian phụ có thể để hoàn thiện sau, nhằm phân bổ chi phí hợp lý theo từng giai đoạn.
Việc tìm nhà thầu uy tín, ký hợp đồng rõ ràng cũng là yếu tố quan trọng. Gia chủ nên chốt giá trọn gói cho phần thô hoặc cả phần hoàn thiện, đảm bảo minh bạch vật tư và tránh bị đội giá. Trong trường hợp tài chính hạn chế, ưu tiên thi công phần cơ bản trước, sau đó nâng cấp nội thất theo tiến độ phù hợp.
KTS Huỳnh Xuân Hải
Công ty cổ phần Thiết kế - Xây dựng và Đào tạo Kiến Thiết Việt