Những bệnh nào được cấp thuốc ngoại trú trên 30 ngày?
Trong Thông tư số 26/2025 quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại cơ sở khám chữa bệnh có hiệu lực từ ngày 1/7 do Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn ký ban hành, có nhiều điểm mới so với trước đây.
Theo đó, thông tư quy định việc kê đơn thuốc với số ngày sử dụng của mỗi thuốc tối đa không quá 30 ngày, trừ một số trường hợp bệnh mạn tính thuộc danh mục cho phép. Những trường hợp này sẽ được kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày, không quá 90 ngày (trước đây giới hạn tối đa là 30 ngày) đối với mỗi thuốc.
Trong danh mục bệnh, nhóm bệnh được áp dụng kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày có 16 nhóm và 252 bệnh. Đây là các bệnh về nhiễm trùng, ký sinh trùng; bệnh của máu; bệnh tâm thần; bệnh nội tiết, dinh dưỡng và chuyển hóa; thai nghén, sinh đẻ và hậu sản…
Các bệnh mạn tính phổ biến được cấp thuốc tới 90 ngày như tăng huyết áp, một số mã của bệnh đái tháo đường, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), rối loạn lo âu, trầm cảm, ung thư vú, ung thư tuyến giáp, viêm gan B mạn tính, Thalassemia, Parkinson, mất trí trong bệnh Alzheimer...
Không phải ai mắc bệnh trong danh mục cũng được cấp thuốc tới 90 ngày
Theo quy định mới, người kê đơn thuốc (bác sĩ, y sĩ) quyết định số ngày sử dụng của mỗi thuốc trong đơn thuốc căn cứ vào tình trạng lâm sàng, mức độ ổn định của người bệnh để kê đơn. Thông tư cũng quy định rõ người kê đơn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về đơn thuốc của mình.
Trong khi đó, người bệnh và người đại diện của người bệnh có trách nhiệm lĩnh thuốc trong thời hạn tối đa 5 ngày, kể từ ngày kê đơn thuốc. Trường hợp không sử dụng hoặc sử dụng không hết thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất phải hủy hoặc trả lại thuốc cho cơ sở đã cấp hoặc bán thuốc để hủy theo quy định; không được bán, cho, tặng hoặc sử dụng vào mục đích khác.
Trao đổi với VietNamNet ngày 1/7, Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đơn vị soạn thảo thông tư, khẳng định không phải cứ mắc bệnh trong danh mục 252 bệnh này là "mặc nhiên" bệnh nhân được kê đơn thuốc tối đa 90 ngày.
Khám, kê đơn thuốc cho bệnh nhân mắc bệnh mãn tính tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội). Ảnh: Thạch Thảo
Ví dụ, với bệnh tăng huyết áp, bệnh nhân phải đi khám hàng tháng để kiểm tra, dùng thuốc để duy trì sự ổn định, đánh giá sự phù hợp với đơn thuốc đang kê. Bác sĩ sẽ quyết định cho bệnh nhân chuyển dần sang đơn thuốc 60 ngày, 90 ngày, chứ không phải từ hôm nay thông tư có hiệu lực là bệnh nhân đương nhiên được kê đơn thuốc để dùng liên tục trong 90 ngày.
"Mặc dù bệnh đó có thể được kê đơn thuốc tới 90 ngày, nhưng bệnh nhân phải tôn trọng quyết định bác sĩ, không thể đòi hỏi nhất định phải được kê đơn 90 ngày", Tiến sĩ Dương nhấn mạnh. Bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả khám, đánh giá, để quyết định việc kê đơn thuốc 30 ngày, 60 hay 90 ngày sao cho an toàn, phù hợp từng người bệnh.
Điều này được lý giải bởi, khi dùng đơn thuốc dài ngày mà không theo dõi có thể xảy ra một số nguy cơ. Bệnh nhân không đi khám, liên tục dùng thuốc, có thể bỏ qua những dấu hiệu trở nặng của bệnh trong quá trình uống.
Đơn cử, với bệnh đái tháo đường, nếu bệnh nhân không đến khám định kỳ, đúng lịch để soi đáy mắt, bệnh nhân có thể mắc biến chứng võng mạc đái tháo đường mà không biết. Nếu bỏ qua vài kỳ kiểm tra, người bệnh có nguy cơ mù loà.
Hoặc những bệnh sử dụng các thuốc yêu cầu phải theo dõi chức năng gan, thận, nếu không đến viện khám định kỳ, theo dõi, chỉ dùng thuốc liên tục, nguy cơ suy gan, suy thận là có thể xảy ra.