“Con là tiến sĩ, không lẽ cứ nằm dài trên ghế sofa cả đời?”, người cha bất lực thốt lên.
Từ niềm tự hào trở thành gánh nặng
Ngày cô gái Tô Thần Vũ nhận được giấy báo trúng tuyển chương trình tiến sĩ ngành kỹ thuật y sinh, cả khu dân cư ở thành phố Giang Tây (Trung Quốc) như “mở hội”. Người ta gọi Thần Vũ là “con nhà người ta”, là hy vọng của thế hệ trẻ vươn lên bằng tri thức. Cha mẹ cô - ông Tô Đức Hoa và bà Vương Huệ Phương mỉm cười tự hào.
Suốt 6 năm, Thần Vũ cắm cúi trong phòng thí nghiệm, công bố hàng chục bài báo khoa học quốc tế, tham gia nhiều đề tài các cấp. Bạn bè ngưỡng mộ và thầy cô kỳ vọng. Ngày tốt nghiệp, cô gái nhận được nhiều lời mời làm việc hấp dẫn từ các tập đoàn và trường đại học lớn.
Tuy nhiên, cô chọn về quê đơn giản vì “muốn nghỉ ngơi, gần cha mẹ một thời gian”. Quãng thời gian dự tính ngắn ngủi ấy cuối cùng kéo dài hẳn 3 năm.
Nhiều người trẻ Trung Quốc sau khi học tiến sĩ vẫn gặp khó khăn trong việc định hướng nghề nghiệp. Ảnh: VCG
Ban đầu, cha mẹ vui vẻ chiều con gái, tự nhủ rằng "con học nhiều năm rồi, để con nghỉ ngơi là phải". Thời gian dần trôi, Thần Vũ vẫn chưa có bất kỳ kế hoạch nào cho tương lai. Cô kén chọn công việc, từ chối hết cơ hội này đến vị trí khác với lý do "chưa xứng đáng với tấm bằng tiến sĩ".
Khi những lời hỏi thăm dần biến thành lời xì xào của hàng xóm, không khí trong nhà bắt đầu nặng nề. “Con là tiến sĩ đấy, không phải đứa mới ra trường đâu!”, cha cô quát lên trong một lần không kiềm được cơn giận. Mẹ cô chỉ nói “Chúng ta già rồi, không thể nuôi con mãi được”.
Từ một người con giỏi giang, có chí tiến thủ, Tô Thần Vũ dần trở thành một cô gái trốn tránh thực tại, sống trong vùng an toàn do chính mình tạo ra.
Ba tháng thay đổi cả một con người
Vào năm thứ ba, kinh tế gia đình Thần Vũ lâm vào tình trạng khó khăn. Người cha bị cắt hợp đồng trong khi người mẹ sức khỏe giảm sút. Hai vợ chồng đưa ra quyết định khó khăn: Rời quê, lên thành phố làm thuê, để con gái ở lại tự xoay sở.
Khi cha mẹ xách đồ rời nhà, Thần Vũ vẫn bám vào những thói quen cũ: Ngủ nướng, lướt điện thoại, chờ đợi một “công việc phù hợp”. Nhưng cảnh hóa đơn chất đống hay bữa ăn vắng lặng dần kéo cô trở về hiện thực. Nữ tiến sĩ bắt đầu tự đi chợ, học nấu ăn, tính toán chi tiêu. Cô mở lại hồ sơ xin việc, chỉnh sửa CV, bắt đầu đi phỏng vấn.
Sau 2 tháng bị từ chối liên tiếp, cuối cùng cô được nhận vào làm trong một công ty khởi nghiệp nhỏ. Lương không cao, công việc vất vả nhưng lần đầu tiên sau 3 năm, Tô Thần Vũ cảm thấy mình sống có mục đích.
Ba năm sau ngày rời quê, vợ chồng ông Tô trở về, bất ngờ gặp lại con gái trong bộ đồ công sở gọn gàng. “Con đã sẵn sàng bước tiếp”, cô gái nói.
Câu chuyện của Tô Thần Vũ không phải trường hợp cá biệt mà phản ánh tình cảnh của nhiều gia đình Trung Quốc hiện nay khi những đứa con từng là niềm tự hào học vấn trở về quê với bằng cấp cao nhưng lại chật vật tìm lối đi giữa kỳ vọng và hiện thực.
Câu chuyện của nữ tiến sĩ sau khi lan truyền trên mạng xã hội đã làm dấy lên nhiều luồng ý kiến trái chiều. Không ít người bày tỏ sự cảm thông, cho rằng sau hành trình học tập kéo dài và áp lực thì việc nghỉ ngơi một thời gian là điều dễ hiểu, nhất là với những người trẻ từng bị kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần.
Tuy nhiên, một bộ phận khác cho rằng 3 năm ở nhà mà không có kế hoạch cụ thể trong khi vẫn sống nhờ cha mẹ là dấu hiệu của sự thiếu chủ động và trách nhiệm. “Học vị cao không nên trở thành cái cớ để trốn tránh hiện thực”, một người bình luận.
Một số ý kiến cho rằng đây là hệ quả của áp lực quá lớn đặt lên những người trẻ học giỏi khi họ trở thành niềm hy vọng của gia đình nhưng lại không được chuẩn bị đầy đủ cho “cú sốc” sau tốt nghiệp, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động Trung Quốc đang bão hòa và cạnh tranh khốc liệt.

Hành trình từ chàng bốc than trở thành tiến sĩ khiến triệu người cảm phục
TRUNG QUỐC - Mới đây, một bản "Lời cảm ơn" dài gần 3.000 chữ trong luận án tiến sĩ đã khiến cộng đồng mạng xôn xao khi chủ nhân của nó là một chàng trai từng mưu sinh trong hầm mỏ nay trở thành tiến sĩ tại một ngôi trường danh tiếng.
Đại học danh tiếng gây tranh cãi khi tuyển quản lý căng tin phải có bằng tiến sĩ
TRUNG QUỐC - Ngày 22/5, Đại học Đông Nam ở Nam Kinh (tỉnh Giang Tô) đã đăng thông tin tuyển dụng vị trí quản lý văn phòng cho hệ thống căng tin của trường trên website chính thức. Điều đáng chú ý là ứng viên cho vị trí này buộc phải có bằng tiến sĩ.