Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết tin trên tại buổi tập huấn phần mềm quản lý dạy thêm, chiều 11/4.
Ông nói TP HCM là đô thị lớn, thường xuyên xảy ra kẹt xe vào giờ tan tầm. Sở tính toán sau khi học sinh tan trường (16-17h), các em cần có thời gian thoải mái di chuyển về nhà, ăn uống, rồi đến trung tâm học thêm nếu có nhu cầu. Tất cả những hoạt động này kết thúc trước 20h là phù hợp.
"Nhiều trường ở TP HCM dạy hai buổi mỗi ngày, học sinh đã ở trường cả ngày. Nếu học thêm thì cần vừa phải để đảm bảo sức khỏe nên kết thúc trước 20h là hợp lý để các em có thời gian bên gia đình", ông Minh lý giải.
Ông cho hay Sở đang lấy ý kiến về một số điều kiện tổ chức dạy thêm, gồm cơ sở vật chất, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự. Hiện, thành phố có khoảng 10.000 trung tâm dạy thêm, trong đó 1.300 do giáo viên công lập tổ chức bên ngoài nhà trường.
Chánh văn phòng Sở cho biết ngành giáo dục sẽ vận hành cổng thông tin quản lý hoạt động dạy thêm. Đến cuối tháng 4, các trung tâm phải công khai số học sinh, học phí, môn học, thời lượng dạy. Đây là căn cứ để các cơ quan quản lý, kiểm tra.
Thông tư 29 về quản lý dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ 14/2. Trường học chỉ được dạy thêm ba nhóm, và phải miễn phí, gồm: nhóm có kết quả chưa đạt; được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp, tự nguyện đăng ký ôn thi.
Với dạy thêm ngoài trường, cá nhân, tổ chức dạy thêm phải đăng ký kinh doanh, công khai thông tin về học phí, thời lượng... Cùng đó, thầy cô không được thu tiền dạy thêm với học sinh trên lớp của mình.
Lệ Nguyễn