Gấp rút đẩy nhanh tiến độ
Bộ Y tế ngày 8/4 cho biết vừa ban hành Kế hoạch triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, trong đó yêu cầu đảm bảo hoàn thành triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả bệnh viện trên toàn quốc, chậm nhất trong tháng 9/2025.
Đặc biệt, về nguồn lực tài chính, Bộ Y tế yêu cầu Vụ Kế hoạch - Tài chính chủ trì phối hợp đơn vị liên quan xây dựng quy định kết cấu chi phí ứng dụng công nghệ thông tin trong giá dịch vụ khám chữa bệnh, cần hoàn thành trong tháng 6.
Hiện giá khám chữa bệnh mới được tính 2 trên 4 yếu tố là "chi phí trực tiếp" (như thuốc men, sinh phẩm, máu, hóa chất, vật liệu, dụng cụ...); "tiền lương, tiền công". Hai yếu tố "chi phí quản lý", "chi phí khấu hao thiết bị và tài sản cố định" chưa được tính.
Theo Luật Khám chữa bệnh hiện hành, chi phí công nghệ thông tin được xếp vào nhóm "chi phí quản lý".
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức yêu cầu trong tháng 4, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo chủ trì việc sửa đổi, cập nhật Thông tư hướng dẫn triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (thay thế Thông tư 46/2018/TT-BYT). Cùng đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh có trách nhiệm hoàn thiện bộ danh mục thuật ngữ lâm sàng, bộ danh mục chỉ số cận lâm sàng để áp dụng trong hồ sơ bệnh án điện tử.
Cùng thời gian này, Vụ Bảo hiểm y tế phối hợp xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật đối với các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh y tế trên hệ thống RIS-PACS, làm cơ sở để xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt giá dịch vụ sử dụng hệ thống RIS-PACS không in phim.
Bác sĩ xem hồ sơ bệnh án điện tử của bệnh nhân trên máy tính, không phải rà từng trang trong tệp hồ sơ giấy. Ảnh: Võ Thu
RIS là hệ thống phần mềm được triển khai tại khoa chẩn đoán hình ảnh, thông tin dữ liệu của RIS gồm dạng văn bản và dạng ảnh; PACS là hệ thống lưu trữ, truyền và thu nhận hình ảnh từ các thiết bị siêu âm, X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI) hay chụp cắt lớp (CT)...
Thực tế, nhiều cơ sở y tế dù đã chuyển dùng bệnh án điện tử, sử dụng PACS nhưng nếu không in phim nhựa ra thì BHXH không thanh toán cho phim đó do Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể về đơn giá BHYT.
Mới gần 150 bệnh viện triển khai thành công bệnh án điện tử
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác liên quan bệnh án điện tử; cần ưu tiên nguồn lực, huy động sự tham gia thực hiện của tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Việt Nam hiện có gần 1.650 bệnh viện, trong đó hơn 380 bệnh viện tư nhân. PGS.TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam, cho biết hiện 100% cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc đã triển khai ứng dụng CNTT, có phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS) và 100% các bệnh viện đã kết nối với bảo hiểm xã hội để thực hiện giám định bảo hiểm y tế điện tử.
Tuy nhiên, đến nay mới có gần 150 bệnh viện công lập và tư nhân triển khai bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy. Tiến độ này được đánh giá là rất chậm so với lộ trình trong Thông tư số 46/2018 của Bộ Y tế.
Một trong những điểm nghẽn được PGS Tường chỉ ra là cơ chế tài chính cho ứng dụng CNTT y tế nói chung và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nói riêng chưa có hướng dẫn cụ thể, chưa có mục chi cho CNTT, trong cơ cấu giá dịch vụ y tế chưa có thành phần CNTT.
Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế quốc gia (Bộ Y tế), trung bình mỗi bệnh viện tuyến tỉnh cần đầu tư hơn 10 tỷ đồng để triển khai bệnh án điện tử. Với những bệnh viện quy mô lớn như Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức… ở Hà Nội, số tiền đầu tư lớn hơn rất nhiều.