Trả lời:
Tăng tiết sữa là tình trạng cơ thể sản xuất nhiều sữa hơn nhu cầu, thường xảy ra ở phụ nữ mang thai, cho con bú, song cũng có thể gặp ở phụ nữ không mang thai và nam giới. Đây không phải là dấu hiệu ung thư vú.
Trong thời kỳ mang thai, nội tiết tố thay đổi thúc đẩy tuyến vú sản xuất và giải phóng sữa. Sau khi sinh con, lượng sữa của người mẹ tăng, cơ thể tự điều chỉnh quá trình sản xuất sữa phù hợp với nhu cầu của trẻ. Đôi khi cơ thể sản xuất sữa mẹ nhiều hơn nhu cầu của trẻ, dẫn đến dư thừa. Người mẹ có thể bị đau ngực, bứt rứt khó chịu, chảy sữa, tắc ống dẫn sữa.
Tăng tiết sữa ở phụ nữ không mang thai và nam giới thường do các nguyên nhân như u tuyến yên tiết ra hormone prolactin (chịu trách nhiệm cho sự phát triển vú, tiết sữa), làm gián đoạn dòng chảy của một chất hóa học thần kinh (dopamine), dẫn đến giảm ức chế prolactin gây ra chứng chảy sữa nhẹ.
Người bệnh suy giáp, suy thận, tổn thương thành ngực, dùng một số loại thuốc chống loạn thần, trầm cảm, sốt... cũng có thể bị tiết sữa. Tuy nhiên, trong các trường hợp này, lượng sữa, dịch tiết ra chỉ rỉ rả, thấm vào áo quần. Người bệnh nên đến bác sĩ để được kiểm tra loại trừ nguyên nhân ung thư vú.
Hầu hết trường hợp tăng tiết sữa khi đang cho con bú sẽ cải thiện khi người mẹ điều tiết thời gian cho con bú phù hợp với nhu cầu của bé. Bạn nên cho trẻ bú khi đói, bú bên ngực đầu tiên đến khi bầu sữa cạn mới đổi sang bên còn lại. Người mẹ cũng cho trẻ bú ở nhiều tư thế khác nhau như nằm nghiêng hoặc cho trẻ ngồi thẳng để thoải mái nhất. Nếu bạn vẫn bị tăng tiết sữa nên đến bác sĩ khám.
BS.CKI Lê Ngọc Vinh
Đơn vị Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |