Về đề xuất tăng quảng cáo trên truyền hình từ 5-10%, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết cần đánh giá tác động nhằm tăng tính thuyết phục, cần xem xét quảng cáo thời điểm nào cho phù hợp.
"Khi xem tivi, đang xem những nội dung hấp dẫn tự nhiên bị cắt ngang để quảng cáo, tôi cho là hết sức vô duyên, không tôn trọng khách hàng. Cho nên, việc tăng thời lượng 5% hay 10% là chuyện không cần thiết", ông Hòa nêu quan điểm.
Về quảng cáo trên báo in, đại biểu chia sẻ, thị phần đang giảm mạnh, việc điều chỉnh diện tích quảng cáo chưa giải quyết căn bản khó khăn của cơ quan báo chí. Vì vậy, đại biểu đề nghị bỏ quy định giới hạn về tỷ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích theo nhu cầu của bạn đọc và thị trường.
Ông Hòa phân tích, báo chí là đơn vị sự nghiệp có thu, nên việc quảng cáo nhiều hay ít, rộng hay hẹp là quyền của cơ quan đó. Nếu bạn đọc thấy quảng cáo nhiều quá sẽ thấy chán, tẩy chay thì tờ báo đó sẽ không phát triển, không có doanh thu.
Theo dự thảo luật, mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá 2 lần, mỗi lần không quá 5 phút; mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá 4 lần, mỗi lần không quá 5 phút.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) phân tích, quy định này sẽ xuất hiện 2 thực trạng. Đài truyền hình sẽ điều chỉnh giảm thời lượng mỗi tập phim trong khi vẫn áp dụng quy định ngắt để quảng cáo như trên, gây bức xúc cho người sử dụng dịch vụ truyền hình phải tiếp nhận quảng cáo không mong muốn, phim quá ngắn mà quảng cáo thì quá dài.
Việc cắt thời lượng phim, chương trình có thể ảnh hưởng đến quyền tác giả của các tác phẩm như biên kịch, đạo diễn, tác phẩm điện ảnh.
Với quảng cáo trên báo in, bà Thúy cho rằng, phần lớn các cơ quan báo chí đều được hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính, phải đối mặt với khó khăn khi số lượng người xem sụt giảm, khách hàng không còn đầu tư nhiều quảng cáo trên các phương tiện này.
Các cơ quan báo chí phải áp dụng mọi biện pháp để tăng nguồn thu, trong đó có tối ưu hóa lợi nhuận từ quảng cáo.
Tuy nhiên, bà Thúy cho biết, việc tăng gấp đôi diện tích quảng cáo so với quy định cũ là quá cao, không chỉ ảnh hưởng đến khối lượng, chất lượng của thông tin chính thống mà gây phản ứng trái chiều từ phía độc giả.
Nữ đại biểu đề xuất diện tích quảng cáo không vượt quá 20% tổng diện tích của một ấn phẩm báo hoặc 30% tổng diện tích của một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ làm việc với Bộ TT&TT, các cơ quan báo chí lớn để lắng nghe, tiếp thu, thảo luận ý kiến của đại biểu Quốc hội. Ông nhấn mạnh sẽ cố gắng đảm bảo được lợi ích của các cơ quan báo chí, đồng thời không ảnh hưởng đến lợi ích của người sử dụng.
"Đây cũng là một bài toán phải được cân nhắc. Tất nhiên, có nhiều gợi ý của đại biểu là nên chuyển cho cơ quan báo chí chủ động tự làm. Đây cũng là một ý kiến đang được xem xét khi chúng ta đang thực hiện nền kinh tế thị trường.
Đảng và Nhà nước đang làm cuộc cách mạng về tổ chức, trong đó có sắp xếp lại các cơ quan báo chí, tôi nghĩ chắc chắn cũng phải tính toán để cho đảm bảo", Bộ trưởng VHTT&DL nhấn mạnh.
Nêu thực tế vẫn có những quảng cáo thuốc nói quá sự thật, “lố hơn tác dụng thật”, Đại biểu Quốc hội lo ngại khi chuyển từ chế độ tiền kiểm sang hậu kiểm thì sẽ khó kiểm soát.