Đây là một phần của chương trình học bổng sau đại học Ajinomoto ASEAN + One hiện dành cho sinh viên đến từ 6 quốc gia Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Nga. Chương trình được Quỹ Học bổng Ajinomoto (Ajinomoto Scholarship Foundation) triển khai từ năm 2009. Theo đó, mỗi năm, chương trình sẽ chọn ra các ứng viên xuất sắc thuộc khối ngành khoa học, nhất là trong lĩnh vực thực phẩm, dinh dưỡng và sức khỏe, để trao học bổng bậc thạc sĩ tại các trường đại học hàng đầu Nhật Bản.
Chương trình bên cạnh hỗ trợ tài chính, còn là động lực tinh thần khuyến khích các bạn trẻ trên hành trình theo đuổi khoa học, đóng góp cho sự phát triển bền vững của thế giới.
Ngày 31/3 vừa qua, Công ty Ajinomoto Việt Nam đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến dành riêng cho các sinh viên Việt Nam nhận được Học bổng Ajinomoto ASEAN + One, với sự tham gia của đại diện Quỹ Học bổng Ajinomoto cùng 10 trên tổng số 16 sinh viên đã và đang học tập tại Nhật Bản thông qua học bổng này. Đại diện Ajinomoto Việt Nam cho biết, thông qua học bổng này, doanh nghiệp mong muốn hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thực phẩm, dinh dưỡng và sức khỏe, để cùng công ty đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam.
Tại buổi giao lưu, ông Tsutomu Nara - Tổng giám đốc Công ty Ajinomoto Việt Nam, chúc mừng các sinh viên đã hoàn thành chương trình học tập trong năm qua, đồng thời ghi nhận những nỗ lực và thành tích mà các bạn đã đạt được. Ông cũng bày tỏ niềm tự hào khi Ajinomoto Việt Nam đã đồng hành học bổng suốt 16 năm, góp phần nâng cao nguồn nhân lực cho nền khoa học Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Ông Tsutomu Nara chia sẻ, mục đích tồn tại của Ajinomoto Việt Nam là "góp phần mang đến sức khỏe và hạnh phúc cho người dân và xã hội Việt Nam thông qua việc cung cấp những sản phẩm chất lượng và sáng kiến có giá trị với nền tảng 'Khoa học về Axit amin' (AminoScience)". Ông hy vọng các bạn sinh viên sẽ vận dụng những kiến thức về khoa học và công nghệ học được trong quá trình học tập, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến "Khoa học về Axit amin", để cùng doanh nghiệp đóng góp cho xã hội, tạo nên những thay đổi tích cực cho cuộc sống dựa trên nền tảng "Khoa học về Axit amin".
Nguyễn Duy Tân - sinh viên ngành Sinh học ứng dụng tại Đại học Kyoto - một trong những gương mặt vừa nhận học bổng năm học 2024/25 đã tham gia buổi giao lưu trực tuyến. Tân cho biết, suốt những năm đại học, Tân luôn hứng thú với các dự án nghiên cứu và hoạt động xã hội liên quan đến phát triển bền vững. "Em nhận ra rằng lĩnh vực sinh hóa và nghiên cứu vi sinh vật là một trong những ngành có thể đóng góp lớn vào mục tiêu phát triển bền vững này", Tân nói.
Chàng sinh viên đang ấp ủ một dự án tận dụng phế phẩm nông nghiệp như vỏ chuối hay các phế phẩm nông nghiệp để chiết xuất axit gallic - một loại chất phổ biến và có tính ứng dụng cao. "Nếu thành công, dự án không chỉ giúp giảm giá thành sản phẩm mà còn mở ra tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp khác như mỹ phẩm và thực phẩm", Tân chia sẻ.
Cũng trong khuôn khổ buổi giao lưu, Hà Thùy Linh - cựu sinh viên Đại học Tokyo, người đã hoàn thành chương trình thạc sĩ với học bổng Ajinomoto ASEAN + One đã chia sẻ những trải nghiệm trong quá trình học tập tại Nhật Bản. Linh cho biết mong muốn đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng bằng cách kết nối những tiến bộ khoa học với thực tiễn sản xuất, từ đó tạo ra những giải pháp bền vững cho ngành thực phẩm và nông nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, chị quyết định tiếp tục theo đuổi con đường học thuật ở bậc tiến sĩ, với sự hỗ trợ từ dự án Spring GX của Đại học Tokyo.
Theo Ajinomoto Việt Nam, chương trình học bổng Ajinomoto ASEAN + One không đơn thuần là hỗ trợ tài chính cho các sinh viên ưu tú, mà còn là sự đầu tư lâu dài vào con người - yếu tố cốt lõi quyết định sự phát triển của xã hội. Với sự hỗ trợ từ Ajinomoto Việt Nam và Quỹ Học bổng, nhiều sinh viên Việt Nam như Duy Tân và Thùy Linh đã có cơ hội tiếp cận môi trường học tập tiên tiến tại Nhật Bản, mở rộng tư duy toàn cầu, và trên hết là nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.
Kim Kim