Phó giáo sư làm bí thư xã biên giới: ‘Tôi xung phong, không ngại khó khăn’

Xung phong đi xã, được chỉ định làm Bí thư xã ở huyện biên giới Mường Lát, Phó giáo sư Đoàn Văn Trường (SN 1989), nguyên Phó bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa không ngần ngại khi nhận nhiệm vụ.


Mong muốn thay đổi vùng đất khó


Sáng ngày 30/6, sau khi nhận quyết định làm Bí thư xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Phó giáo sư Đoàn Văn Trường lập tức thu dọn đồ đạc ngược lên xã (cách khoảng 250km) để nhận nhiệm vụ, chuẩn bị cho xã mới kịp đi vào hoạt động từ 1/7.


Chia sẻ với P.V VietNamNet, vị giáo sư cho biết, mình xuất thân từ gia đình thuần nông ở xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Sinh ra trong gia đình có 3 chị em, Trường nhận thức được chỉ có con đường học mới thay đổi được cuộc sống sau này.


Năm 2008, anh Trường trúng tuyển vào trường Đại học Khoa học Huế, ngành xã hội học. Tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân loại giỏi, anh quay về công tác tại Trường Văn hóa thể thao và du lịch Thanh Hóa.


Phó giáo sư, tiến sĩ Đoàn Văn Trường. Ảnh: CTV

Thời gian công tác ở đây, cán bộ trẻ này được cử đi học nghiên cứu sinh ở Học viện Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Năm 2018, anh Trường bảo vệ xong luận án tiến sĩ. Bốn năm sau, anh được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó giáo sư, tiến sĩ liên ngành Triết học - Xã hội học, Chính trị học. Khi đó anh mới tròn 33 tuổi.


Sau đó, anh được điều động, bổ nhiệm làm Phó bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2022 - 2027.


Thời gian làm ở Tỉnh đoàn, vị Phó giáo sư thường xuyên đi lên các vùng miền núi, biên giới của tỉnh Thanh Hóa. Mường Lát cũng là nơi anh đặt chân đến rất nhiều lần trong các chương trình công tác, thiện nguyện. Chính vì vậy, anh rất hiểu về nỗi khó khăn, cuộc sống vất vả của người dân nơi đây.


“Khi có chủ trương đưa cán bộ tỉnh lên làm bí thư, chủ tịch xã, tôi đã xung phong. Lúc biết mình được sắp xếp lên xã Pù Nhi, một xã khó khăn thuộc vùng biên giới của tỉnh Thanh Hóa bản thân tôi không bất ngờ. Bởi vùng đất này tôi đã từng lên và có nhiều kỷ niệm với người dân nơi đây. Tôi mong muốn được phát triển, thay đổi những vùng đất khó, giúp người dân miền núi có cuộc sống tốt hơn. Nhận nhiệm vụ, tôi không ngại bất cứ khó khăn gì để hoàn thành công việc”, vị Phó giáo sư chia sẻ.


Pù Nhi là xã biên giới đặc biệt khó khăn, nằm ở vùng cao phía Tây tỉnh Thanh Hóa có diện tích gần 66 km², dân số 6.000 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 95%), trong đó dân tộc Mông chiếm gần 80%, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%.


Với khoảng cách 250km, vị bí thư xã sẽ ít được về nhà hơn, công việc cũng sẽ khó khăn hơn.


Một góc xã Pù Nhi. Ảnh: Lê Dương

Giao thông đi lại khó khăn, nhiều bản còn cách trung tâm xã hàng chục cây số đường núi, địa hình chia cắt. Trình độ dân trí còn hạn chế, việc tiếp cận với thông tin, dịch vụ công, y tế, giáo dục còn gặp nhiều trở ngại.


“Khi lên đây, tôi xác định càng khó khăn, càng phải đổi mới quyết liệt. Việc tiếp tục duy trì đơn vị hành chính độc lập là dựa trên những yếu tố đặc thù về địa bàn, dân cư và an ninh biên giới, yêu cầu nâng cao chất lượng quản lý, phục vụ nhân dân là yếu tố then chốt”, lời vị bí thư xã.


Theo vị Phó giáo sư, ngày hôm nay (1/7), khi chính quyền 2 cấp chính thức đi vào hoạt động, bản thân ông và đồng nghiệp sẽ bắt tay ngay vào công việc, không để trống thời gian, tập trung ngay vào cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo người dân đến làm việc không bị gián đoạn, hồ sơ không bị ùn tắc, quy trình được đơn giản hóa.


"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung chăm lo đời sống nhân dân, thực hiện hiệu quả các chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 7%/năm. Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch đạt trên 30%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%”, Bí thư xã Pù Nhi cho biết.


Ngoài ra theo, theo vị bí thư xã, với vai trò của mình, sẽ tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, làm tốt công tác dân vận, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự đồng thuận xã hội trong mọi chủ trương, chính sách mới.









Pho giao su lam bi thu xa bien gioi: ‘Toi xung phong, khong ngai kho khan’


Xung phong di xa, duoc chi dinh lam Bi thu xa o huyen bien gioi Muong Lat, Pho giao su Doan Van Truong (SN 1989), nguyen Pho bi thu Tinh doan Thanh Hoa khong ngan ngai khi nhan nhiem vu.

Phó giáo sư làm bí thư xã biên giới: ‘Tôi xung phong, không ngại khó khăn’

Xung phong đi xã, được chỉ định làm Bí thư xã ở huyện biên giới Mường Lát, Phó giáo sư Đoàn Văn Trường (SN 1989), nguyên Phó bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa không ngần ngại khi nhận nhiệm vụ.
Giới thiệu cho bạn bè
  • gplus
  • pinterest

Các bài liên quan

Bình luận

Đăng bình luận

Đánh giá